Tác động của Luật Thủ đô đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội

Luật Thủ đô sẽ có tác động tích cực, mạnh mẽ đến sự phát triển của các nhà trường trong thời gian tới.

Ngày 31-10, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học:“Tác động của Luật Thủ đô đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội” với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý, nhà giáo. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội chủ trì Hội thảo. 

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XV thông qua có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội về phát triển giáo dục và đào tạo, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nhân lực chất lượng cao. Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội kỳ vọng, các cơ chế về tài chính, quản lý và sử dụng tài sản công sẽ có tác động tích cực, mạnh mẽ đến sự phát triển của nhà trường thời gian tới.

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn, Hội thảo là dịp để tuyên truyền, phổ biến về Luật Thủ đô, đồng thời là dịp để các cơ quan quản lý của thành phố cùng các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn triển khai ở các cơ sở giáo dục các nội dung về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, giáo dục, văn hóa, phát triển nguồn nhân lực, tài chính… Đây cũng là nguồn tư liệu khoa học và thực tiễn quý báu, làm cơ sở cho việc xây dựng các văn bản, kế hoạch triển khai Luật Thủ đô tại các nhà trường.

Bà Nguyễn Thu Hiền, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội trình bày về các chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Luật Thủ đô

Ban tổ chức Hội thảo nhận được hơn 40 bài viết và tham luận khoa học. Tại Hội thảo, các ý kiến tập trung thảo luận 5 nhóm vấn đề chính gồm: Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển giáo dục và đào tạo; thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn hóa; cơ chế tài chính và một số vấn đề liên quan khác. 

PGS.TS. Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi về vấn đề quy hoạch Thủ đô Hà Nội và định hướng không gian phát triển giáo dục - đào tạo trên địa bàn Thành phố

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu cũng đã phân tích tác động của Luật Thủ đô từ nhiều góc độ, bao gồm các quy định về tổ chức, quản lý giáo dục, cũng như các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Một số ý kiến cho rằng Luật thủ đô đã tạo nền tảng pháp lý thuận lợi để các trường đại học phát triển, song vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội nhận định, Hội thảo có ý nghĩa rất cần thiết đối với các trường đại học, cao đẳng trong giai đoạn hiện nay. Việc Trường Đại học Thủ đô Hà Nội kịp thời tổ chức hội thảo cho thấy sự nhaỵ bén và ý thức được vai trò, trách nhiệm của Nhà trường đối với sự phát triển giáo dục của Thủ đô Hà Nội và cả nước. Các chính sách của Luật Thủ đô sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, là cơ sở để các trường đa dạng hóa các loại hình giáo dục; mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các trường thu hút được nhân tài, phát triển sản phẩm khoa học, công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, từ đó góp phần xây dựng Thủ đô là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước. Các trường đại học, cao đẳng ở Thủ đô Hà Nội cần xác định tâm thế chủ động, tích cực nắm bắt cơ hội, tận dụng các cơ chế đặc thù và vượt trội của Luật Thủ đô để tạo ra bước phát triển đột phá, góp phần phát triển mạnh mẽ giáo dục, kinh tế và nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.
         Hà Nội có gần 60% đại học, học viện đặt địa điểm và cũng là nơi sinh sống, học tập của đông đảo đội ngũ cán bộ khoa học và gần 1 triệu sinh viên; tạo nên một nền tảng dân trí và hệ sinh thái học tập hàng đầu cả nước; thu hút nhiều tài năng, học giả trong nước và quốc tế. 
        Để chuẩn bị tốt cho việc thực hiện Luật Thủ đô, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Thanh Sơn đề nghị các trường đại học, cao đẳng tích cực tập trung vào việc tuyên truyền Luật Thủ đô theo các nhóm đối tượng; đồng thời rà soát lại mục tiêu, chiến lược, chương trình, đề án,… bám sát Luật Thủ đô để tạo động lực cho các trường đại học, cao đẳng phát triển.
         “Tới đây, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng sẽ nghiên cứu tổ chức hội thảo, cùng các trường đại học, cao đẳng để xin ý kiến, thảo luận về một số nội dung như: xây dựng các văn bản, nghị định dưới Luật; vị trí vai trò của các trường đại học, cao đẳng đối với phát triển các khu công nghệ cao tại Hà Nội…”, Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn và Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn trao giải Nhất trong cuộc thi "Tìm hiểu Luật Thủ đô"

Trao giải cho các cá nhân đạt giải cuộc thi "Tìm hiểu Luật Thủ đô"

 

Nhân dịp này, Ban tổ chức Hội thảo cũng đã trao thưởng cho 10 giảng viên, sinh viên đạt giải cuộc thi “Tìm hiểu Luật Thủ đô”. Hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 65 năm Ngày truyền thống nhà trường, 10 năm thành lập Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Cuộc thi được triển khai từ ngày 1-10 đến hết ngày 30-10-2024, thu hút gần 4.800 lượt dự thi của các thầy, cô giáo và sinh viên.

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 

31/10/2024 22:05:56 | Số lần xem: 108
6 phút

Tin liên quan