79 năm Cách mạng tháng Tám thành công
Hôm nay (19/8), kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.
Cách mạng tháng Tám thành công đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi sự áp bức bóc lột gần 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám tại Việt Nam đã cổ vũ phong trào đấu tranh, giải phóng dân tộc ở các nước bị chủ nghĩa đế quốc thực dân áp bức, thống trị.
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
Nhìn lại chặng đường 79 năm, thành công của Cách mạng tháng Tám đã khẳng định sức mạnh của lòng dân, thể hiện niềm tin mãnh liệt của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chính sức mạnh đại đoàn kết đã đưa cách mạng vượt qua khó khăn, từng bước giành thắng lợi.
Sáng 19/8/1945 tại Thủ đô Hà Nội, cả thành phố như rung chuyển trước sức mạnh của quần chúng nhân dân. Cuộc mít tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn đã chuyển thành khởi nghĩa giành chính quyền.
Sáng 19/8/1945, hàng chục vạn người dân Hà Nội và các vùng lân cận đã đổ về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội để dự Mit tinh hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền (Ảnh TTXVN)
Không khí sục sôi của ngày này 79 năm trước vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ của người chiến sĩ cách mạng năm xưa.
"Quần chúng cách mạng đi trước rồi quần chúng nhân dân đi theo. Khi tôi đi từ Phúc Tân lên Hoàn Kiếm, tổ tôi cầm vũ khí đi đầu, bà con đi theo, kéo nhau đến Nhà hát Lớn, tập hợp quần chúng cướp chính quyền. Cờ đỏ sao vàng treo trên Nhà hát Lớn", Đại tá Nguyễn Đăng Doanh, Chiến sĩ Việt Minh tham gia Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền 19/8/1945 tại Hà Nội, kể lại.
"Ngoài lòng yêu nước là sự giác ngộ, ý thức làm chủ đất nước, cho nên trong buổi lễ tuyên bố độc lập, hàng vạn người dân đã hô vang quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng, của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập. Họ xin thề như thế, cùng với Chính phủ. Điều đó thể hiện sự đồng tâm, nhất trí giữa Trung ương và địa phương, giữa Chính phủ và nhân dân, giữa Đảng với dân", PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho biết.
Sau Cách mạng tháng Tám, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời trong bối cảnh vô vàn khó khăn. Ngân quỹ chỉ còn hơn 1,25 triệu đồng, một nửa trong số đó là tiền rách đang chờ tiêu hủy.
Trước tình hình ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi đồng bào hưởng ứng "Tuần lễ Vàng", từ 17 - 24/9. Lời kêu gọi được đông đảo tầng lớp nhân dân ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam hưởng ứng.
"Gần như không suy nghĩ, gia đình tôi đóng góp hơn 300 lạng vàng. Nếu tính ra bố tôi mua cái nhà này to gần nhất phố Hàng Đào 600 lạng, 300 lạng gần nửa cái nhà này. Cái nhà là cả gia sản. Trước đó còn nhiều cái khác, hơn vàng", NSND Nguyễn Hữu Tuấn, con ông Nguyễn Hữu Nhâm, Chủ hiệu Tam Kỳ, 48 Hàng Đào, Hà Nội, chia sẻ.
370 kg vàng cùng nhiều tài sản khác đã được quyên góp trong "Tuần lễ Vàng", nhưng "Tuần lễ Vàng" không chỉ có vàng bạc, của cải mà qua đó còn thấy được tấm lòng vàng của mọi người dân dành cho đất nước.
"Chính phủ, Trung ương Đảng kêu gọi được người dân như thế, rõ ràng thấy được sự tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Chính phủ và nó cho thấy sự đoàn kết giữa Đảng với dân, giữa Chính phủ với dân, lòng tin của người dân với lãnh tụ Hồ Chí Minh", PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nhận định.
Sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân tạo thế và lực để chính quyền cách mạng từng bước giải quyết các nhiệm vụ tiếp theo, cũng là minh chứng cho thấy sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân trọn vẹn một lòng theo Đảng, xây dựng và phát triển đất nước.
Theo VTV