“Thực trạng, giải pháp quản lý nhà nước đối với người nước ngoài đang tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo của thành phố Hà Nội”

Hội thảo nằm trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài khoa học công nghệ cấp Thành phố.

Chiều 20/6, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng, giải pháp quản lý nhà nước đối với người nước ngoài đang tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo của thành phố Hà Nội”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài khoa học công nghệ cấp Thành phố do TS. Nguyễn Tiến Thăng, Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ Trường Đại học Thủ đô Hà Nội làm chủ nhiệm

Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hà Nội; Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Thành phố Hà Nội; Công ty Nguồn nhân lực Ưu Việt; PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; lãnh đạo, cán bộ, giảng viên một số đơn vị trong trường. 

PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận định, hiện nay, lực lượng người lao động nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam rất đa dạng và phong phú, bao gồm cả giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý và chuyên gia đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Các trường đại học, trung học phổ thông và các trung tâm giáo dục quốc tế tại Việt Nam thường thuê giáo viên nước ngoài để đảm bảo chất lượng giảng dạy và mang lại sự đa dạng văn hóa trong môi trường học tập. Ngoài ra, có cũng có nhiều chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để hợp tác trong các dự án nghiên cứu, đào tạo và cung cấp kiến thức chuyên ngành cho các sinh viên và người lao động tại đây. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, việc quản lý người nước ngoài trong ngành giáo dục cũng đặt ra nhiều thách thức. Cần phải có sự nhất quán trong chính sách và quy định, đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ cả về vấn đề văn hóa lẫn pháp lý. Từ đó, tìm ra các giải pháp hiệu quả để đảm bảo người nước ngoài giảng dạy tại các trường ở Hà Nội không chỉ mang lại kiến thức mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật và địa phương.

Hội thảo “Thực trạng, giải pháp quản lý nhà nước đối với người nước ngoài đang tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo của thành phố Hà Nội” được tổ chức nhằm lắng nghe các ý kiến, đề xuất cụ thể, khả thi giúp cải thiện quá trình quản lý người nước ngoài trong giáo dục tại thành phố Hà Nội, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nhằm xây dựng một môi trường giáo dục ngày càng phát triển và chất lượng hơn.

Các đại biểu đóng góp tham luận và phát biểu ý kiến tại Hội thảo:

 

Theo các đại biểu tham dự Hội thảo, bên cạnh những lợi ích người nước ngoài tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mang lại, việc quản lý giáo viên người nước ngoài đã đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Những người nước ngoài tham gia giảng dạy sẽ trải qua các giai đoạn: Nhập cảnh, quá cảnh, cư trú, đi lại, làm việc, sinh sống và xuất cảnh. Do đó, để đảm bảo các hoạt động trên được diễn ra thông suốt và suôn sẻ, hợp pháp, cần hoàn thiện những quy định cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền để tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan chức năng thực hiện các nội dung quản lý người nước ngoài. Đảm bảo sự phối hợp trao đổi thông tin quản lý giữa Công an Thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các quận, huyện, thị xã trong việc cấp phép, quản lý sau cấp phép đối với giáo viên người nước ngoài tại các cơ sở giáo dục của Thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin liên thông giữa các bên để đảm bảo dữ liệu đồng nhất, thuận lợi trong việc theo dõi, giám sát giáo viên người nước ngoài tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục cũng như quản lý dữ liệu về hồ sơ cá nhân, trình độ chuyên môn, giấy phép lao động và các hoạt động giảng dạy khác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát là một giải pháp hiệu quả cho phép kiểm tra, giám sát từ xa, theo dõi hiệu quả hoạt động này. 

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

20/06/2024 16:44:38 | Số lần xem: 91
4 phút