Tìm giải pháp phát triển ngành logistics vùng đồng bằng sông Hồng
Để phát triển ngành logistics, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là các trường đại học.
Ngày 16/12, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Logistics vùng Đồng bằng sông Hồng”. Hội thảo có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, đơn vị liên quan và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, quản lý giáo dục các trường, các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA); Liên hiệp Hội khoa học Kỹ thuật Hải Phòng; Hội Liên hiệp logistics Hải Phòng; Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cảnh sát biển; Bộ Công thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trường Đại học Kinh tế quốc dân; Bộ Kế hoạch và Đầu tư…
TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường
Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự Hội thảo có TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; ThS. Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Đào Trường Thành, Trưởng khoa Kinh tế và Đô thị; lãnh đạo các đơn vị cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên trong khoa Kinh tế và Đô thị.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học công lập duy nhất, trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội. Hiện, nhà trường đào tạo 29 ngành trình độ đại học, 12 ngành trình độ thạc sĩ và 1 ngành trình độ tiến sĩ. Ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng được Nhà trường bắt đầu đào tạo từ năm 2017, là một trong những trường đào tạo sớm trình độ đại học chính quy ngành này tại khu vực miền Bắc.
Trải qua gần 10 năm xây dựng và phát triển trên cơ sở nâng cấp từ Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, với bề dày truyền thống 65 năm, Nhà trường ngày càng khẳng định vị thế trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam, cũng như vai trò, vị trí trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hà Nội.
Các chuyên gia phát biểu tham luận trong Hội thảo
Hội thảo “Logistics vùng Đồng bằng sông Hồng” nhằm kết nối các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong khu vực chia sẻ tri thức và kinh nghiệm phong phú về lĩnh vực logistics. Hơn 70 bài tham luận được gửi tới Hội thảo và hàng chục ý kiến trực tiếp trình bày tại hội thảo cho thấy sự quan tâm của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đối với lĩnh vực này.
Toạ đàm "Các xu hướng phát triển Logistics"
Các ý kiến tập trung nhận diện và đánh giá hiện trạng tổ chức, kết cấu hạ tầng logistics vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như vai trò của một số địa phương, từ đó, đưa ra các giải pháp phát triển logistics cho vùng và cho Thủ đô Hà Nội.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo đã tập trung bàn thảo về chính sách, nguồn lực, đặc biệt là giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho phát triển logistics; phân tích bối cảnh, xu hướng phát triển logistics hiện nay trên thế giới và Việt Nam...
Một số đại biểu nhận định, hiện nay, logistics đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội nói riêng. Logistics giúp lưu thông hàng hóa, dịch vụ một cách thuận lợi, từ đó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kết nối thị trường trong nước với quốc tế, giúp doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn nguyên liệu, hàng hóa, dịch vụ từ khắp nơi trên thế giới, từ đó, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Để phát triển ngành logistics tại Việt Nam hiện nay, các ý kiến có chung quan điểm, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là các trường đại học, với vai trò cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Ngọc Hinh - Phúc