Hội thảo "Xây dựng chương trình và chuyên đề bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông"
Chiều 31/10, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng chương trình và chuyên đề bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông”.
Tham dự Hội thảo có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đinh Thị Lan Duyên; GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các viện, trường đại học, lãnh đạo các phòng giáo dục và Hiệu trưởng một số trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự Hội thảo có TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Bùi Quốc Hoàn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch, Chủ nhiệm Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Bà Đinh Thị Lan Duyên, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội
GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, Hội thảo là một trong chuỗi các hoạt động nhằm triển khai Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do UBND Thành phố Hà Nội ban hành.
TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Đề án bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học tập trung biên soạn các nội dung tài liệu nhằm hướng đến bốn đối tượng gồm: Cán bộ quản lý, giáo viên đại trà, giáo viên dạy giáo dục địa phương và sinh viên sư phạm.
Theo báo cáo của TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch, Chủ nhiệm Đề án, đến nay các chương trình và chuyên đề đã cơ bản hoàn thành. Mục đích tổ chức Hội thảo này nhằm có thêm các ý kiến góp ý từ lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành liên quan và đặc biệt là ý kiến của giáo viên phổ thông – những người trực tiếp sẽ thụ hưởng kết quả của đề án để có kiến thức dạy học sinh.
TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch, Chủ nhiệm Đề án
Về cơ bản, chương trình bồi dưỡng sẽ bám sát nội dung giáo dục địa phương của Hà Nội để cung cấp kiến thức tổng hợp và chuyên sâu về Hà Nội nhằm giúp giáo viên vững vàng kiến thức để giảng dạy nội dung giáo dục địa phương ở các cấp học trên địa bàn Thủ đô.
Theo chia sẻ của ban chủ nhiệm đề án, kiến thức Hà Nội học rất phong phú, tuy nhiên, ban chuyên môn cùng các nhà khoa học trong và ngoài Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã thống nhất xây dựng khung của 7 chương trình, 13 chuyên đề cốt lõi, 24 khung chuyên đề bổ trợ dành cho các đối tượng giáo viên ở các cấp học khác nhau.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã có những đóng góp tâm huyết về các chuyên đề cụ thể như: Hà Nội học – những vấn đề cốt lõi; Văn hóa Hà Nội trong đời sống đương đại; địa lý kinh tế - xã hội Hà Nội... Các đại biểu cũng được nghe chuyên đề quy hoạch và quản lý phát triển Thành phố Hà Nội, thực trạng và định hướng phát triển. Ý kiến của một số cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông tại Hội thảo cũng đóng góp thêm những đề xuất, mong muốn cụ thể về nội dung chương trình...
GS. TS Lê Hồng Lý phát biểu tại Hội thảo
Sau khi hoàn thiện tài liệu bồi dưỡng, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ tổ chức dạy thử nghiệm trước khi dạy mở rộng cho các đối đối tượng của đề án.
Theo đề án, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho các đối tượng tham gia các khóa bồi dưỡng. Đây là cơ sở để các trường phổ thông phân công giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương Thành phố Hà Nội theo chương trình mới.
Tin: Ngọc Hinh - Ngọc Vinh