Hội thảo khoa học về hệ sinh thái học tập sáng tạo: Định hướng phát triển giáo dục tương lai

Đây là hội thảo thứ ba trong chuỗi hội thảo thuộc Chương trình 1217/CTr-ĐHTĐHN của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Chiều 17/9, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Hệ sinh thái học tập sáng tạo ở các cấp học trên địa bàn Thành phố Hà Nội – Điều kiện hình thành và khả năng ứng dụng". Đây là hội thảo thứ ba trong chuỗi hội thảo thuộc Chương trình 1217/CTr-ĐHTĐHN của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt về phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo ở các cấp học trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, cùng đại diện các cơ quan từ Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, và các trường học trên địa bàn thành phố.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển nhanh chóng của Cách mạng Công nghiệp 4.0, giáo dục không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức, mà còn phải tạo dựng môi trường học tập khuyến khích sáng tạo, nhằm đào tạo ra những con người có khả năng thích ứng và đổi mới liên tục. Hội thảo lần này là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, và các nhà quản lý thảo luận về điều kiện hình thành và khả năng ứng dụng của hệ sinh thái học tập sáng tạo – một xu hướng quan trọng trong giáo dục hiện đại.

 PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã trình bày báo cáo đề dẫn

Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã trình bày báo cáo đề dẫn, nêu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ sinh thái học tập sáng tạo. Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, hệ sinh thái này không chỉ bao gồm trường học, mà còn cả các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp và cộng đồng cùng hợp tác để tạo ra một môi trường học tập liên tục, sáng tạo và mang tính thực tiễn cao. Đồng thời, báo cáo đề dẫn cũng chỉ ra những thách thức và cơ hội khi áp dụng mô hình này trong bối cảnh của Thủ đô Hà Nội. Theo đó, hệ sinh thái học tập sáng tạo gồm 5 thành tố, 3 cấp độ. 5 thành tố đó là: Chủ thể học tập sáng tạo, tri thức học tập sáng tạo, công nghệ học tập sáng tạo, bối cảnh học tập sáng tạo, văn hoá – thể chế - chiến lược. 3 cấp độ của hệ sinh thái học tập gồm: Cấp Trường – Cấp Quận/Huyện – Cấp Thành phố.

Hội thảo nhận được 40 báo cáo từ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên, giáo viên. Sau quá trình phản biện và biên tập, 34 báo cáo được lựa chọn in trong Kỷ yếu hội thảo tập trung xoay quanh 2 chủ đề: Điều kiện hình thành hệ sinh thái học tập sáng tạo, cơ hội và thách thức (19 bài); Khả năng ứng dụng hệ sinh thái học tập sáng tạo, các mô hình giáo dục, dạy học sáng tạo (15 bài).

PGS.TS. Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày về hiệu quả và những vấn đề đặt ra từ các chương trình giáo dục sáng tạo đang triển khai tại Hà Nội

Trong chuỗi báo cáo tại Hội thảo, PGS.TS. Chu Cẩm Thơ đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã trình bày về hiệu quả và những vấn đề đặt ra từ các chương trình giáo dục sáng tạo đang triển khai tại Hà Nội. PGS.TS. Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh rằng, để có thể kết nối các chương trình này thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh, cần có sự hợp tác liên ngành và các giải pháp công nghệ.

GS.TS.NGƯT. Nguyễn Thị Hoàng Yến, Học viện Quản lý Giáo dục nói về vai trò của năng lực số đối với đội ngũ giáo viên

Một trong những điểm nhấn của Hội thảo là báo cáo của GS.TS.NGƯT. Nguyễn Thị Hoàng Yến, Học viện Quản lý Giáo dục nói về vai trò của năng lực số đối với đội ngũ giáo viên trong hệ sinh thái học tập sáng tạo. GS. Nguyễn Thị Hoàng Yến khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, việc trang bị kỹ năng số là điều kiện tiên quyết để giáo viên có thể phát triển các phương pháp giảng dạy sáng tạo và hiệu quả. 

Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp liên quan đến ứng dụng công nghệ trong giáo dục và các mô hình câu lạc bộ sáng tạo trong các trường học ở Hà Nội nhằm thúc đẩy khả năng sáng tạo của học sinh thông qua các hoạt động học tập ngoại khóa.

Kết thúc hội thảo, các nhà khoa học và quản lý giáo dục đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp học sinh phát triển toàn diện kỹ năng mềm, tư duy phản biện, và khả năng thích ứng trong môi trường xã hội hiện đại.

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

17/09/2024 16:09:24 | Số lần xem: 140
5 phút