Đào tạo nguồn nhân lực văn hóa Hà Nội phục vụ xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”

Đào tạo nguồn nhân lực văn hóa Hà Nội phục vụ xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”

 

Đây là vấn đề nhận được nhiều ý kiến đóng góp tại Hội thảo khoa học do khoa Văn hóa Du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức vào chiều 22/11.

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Văn Lưu, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lại Bá Hà, Phó Tổng Biên tập, Báo Hà Nội mới; đại diện Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Khoa giáo VOV2…

Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự Hội thảo có TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch; lãnh đạo một số đơn vị cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên trong khoa.

TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân văn hóa Hà Nội phục vụ xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường dẫn lời Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: “Văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng một Thủ đô Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Như vậy, phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa là cách hiệu quả nhất để phát triển văn hóa Thủ đô. Hà Nội được biết đến với tên gọi là “Thành phố di sản”. Quỹ di sản văn hóa của Thành phố vô cùng phong phú, đa dạng với hơn 5.922 di tích lịch sử, văn hóa ( một di sản văn hóa thế giới, 21 di tích, cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể). Hà Nội cũng còn là “đất trăm nghề” và nhiều lễ hội sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa vùng đồng bằng sông Hồng… Với thế mạnh như vậy, làm thế nào để đào tạo nguồn nhân lực văn hóa phục vụ xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Đây cũng chính là trăn trở và nhiệm vụ của những người làm công tác đào tạo, đặc biệt là ở Trường Đại học Thủ đô Hà Nội - cơ sở đào tạo đại học công lập duy nhất trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội. Hội thảo “Đào tạo nguồn nhân văn hóa Hà Nội phục vụ xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” được tổ chức nhằm làm rõ những cơ sở lí luận, định hướng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa đáp ứng nhu cầu xã hội nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng; đồng thời tìm hiểu nhu cầu của Hà Nội về nguồn nhân lực văn hóa từ đó đưa ra các giải pháp về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực này.

TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch báo cáo đề dẫn Hội thảo

Theo TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 20 bài viết, tham luận. Các bài viết đã tập trung vào nội dung: Những vấn đề chung của việc đào tạo và nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực văn hóa ở thế giới, Việt Nam và Hà Nội; cơ sở lý luận và định hướng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa; thực trạng yêu cầu nguồn nhân lực văn hóa; các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa theo các lĩnh vực văn hóa – bảo tồn di sản văn hóa Thủ đô, giáo dục, du lịch và kinh tế Thủ đô.

TS. Nguyễn Văn Lưu, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chia sẻ ý kiến

Tại Hội thảo, các ý kiến đều đồng thuận cho rằng, văn hóa là yếu tố quyết định tới sự phát triển của Thủ đô. Nguồn lực văn hóa Hà Nội tựu chung lại ở 6 thành tố: Thứ nhất là con người. Hà Nội là nơi có nhiều nhân tài, tinh hoa trên cả nước hội tụ lại. Thứ hai là tài nguyên di sản văn hóa. Đây là nơi có nhiều di sản vật thể, phi vật thể tồn tại, mang lại nguồn tài nguyên di sản phong phú, to lớn. Thứ ba là thiết chế văn hóa (trên 5000 thiết chế văn hóa). Thứ tư là thể chế, chính sách. Hà Nội có Luật Thủ đô để phát triển với những chính sách đặc thù; ban hành nhiều chương trình phát triển văn hóa như Chương trình số 06-CTr/TU về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”; Quy hoạch Thủ đô… Thứ năm là vị thế (truyền thống 1000 năm văn hiến, là trung tâm, Thủ đô của cả nước…). Thứ sáu là thời cơ.

PGS.TS. Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương

Ông Lại Bá Hà, Phó Tổng Biên tập, Báo Hà Nội mới

Do đó, đào tạo nguồn nhân lực văn hóa tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phục vụ sự phát triển văn hóa của Thủ đô là hết sức cần thiết, phù hợp. Cần có sự kết nối giữa Nhà trường với các đơn vị sử dụng lao động, các cơ quan quản lý chuyên môn. Trong quá trình đào tạo, cần làm tốt công tác hướng nghiệp cho sinh viên, chú trọng các kĩ năng mềm, đáp ứng sự hội nhập văn hóa quốc tế cũng như tiến tới số hóa văn hóa trong bối cảnh công nghiệp cách mạng 4.0.

Sau thời gian làm việc nghiêm túc, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các ý kiến tại Hội thảo sẽ là cơ sở để Nhà tường tiếp thu, bổ sung vào chương trình đào tạo của ngành Văn hóa học đang đào tạo tại trường cũng như các ngành đào tạo khác nhằm phục vụ nguồn nhân lực phát triển Thủ đô và cả nước.

Ngọc Hinh

 

23/11/2023 10:31:51 | Số lần xem: 51
6 phút