Đổi mới quản lý giáo dục đại học và quản trị nhà trường trong bối cảnh mới

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Nhằm nâng cao kiến thức quản lý giáo dục đại học, sáng 15 tháng 6, trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã tổ chức khai mạc lớp bồi dưỡng “Đổi mới quản lý giáo dục đại học và quản trị nhà trường trong bối cảnh mới”. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tham gia giảng dạy lớp học.

Tại lớp bồi dưỡng, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến đã trình bày những nội dung về: Bối cảnh chung; quản lý công mới trong GDĐH; Tự chủ và trách nhiệm giải trình; đổi mới quản lý GDĐH Việt Nam; tự chủ đại học ở Việt Nam: Hiện trạng và triển vọng.

TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, thế giới đang đứng trước những cơ hội và thách thức của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), quản lý giáo dục đại học (GDĐH) và quản trị nhà trường cần có sự chuyển mình mạnh mẽ. Các cơ sở GDĐH phải thực hiện nhiều chức năng khác nhau, kể cả nghiên cứu và đào tạo, giảng dạy. Các cơ sở giáo dục muốn đáp ứng được nhu cầu nhân lực có chất lượng cao và đa dạng ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế 4.0 cần phải đổi mới mạnh mẽ từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường để tạo ra nguồn lao động có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh.

Giáo dục đại học đang đứng trước các xu thế mới: Đại chúng hoá; đa dạng hoá; hiện đại hoá; tư nhân hoá; thương mại hoá; thị trường hoá; quốc tế hoá; dân chủ hoá. Giáo dục đang đòi hỏi phải thay đổi phương thức và phương pháp đào tạo để trở thành: Trung tâm học tập suốt đời; gắn kết với trường phổ thông; nhoè hoá ranh giới các khoa; hướng tới nhà trường điện tử; tăng cường liên kết mạng; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế; nhoè hoá ranh giới công lập – tư thục; tăng cường liên kết nhà trường – doanh nghiệp.

Việc đổi mới trong quản lý trường đại học tập trung vào các vấn đề: phân cấp quản lý; tự chủ nhà trường và tự do học thuật; đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng; tính minh bạch và trách nhiệm giải trình; xây dựng không gian dân chủ; huy động nguồn lực tài chính cho giáo dục; vận dụng cơ chế cạnh tranh; tin học hoá công tác quản lý. Trong đó, việc đổi mới quản lý ở cấp trường cần phát huy quyền tự chủ, áp dụng các kinh nghiệm của quản lý doanh nghiệp (xây dựng kế hoạch chiến lược, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng công nghệ thông tin, tiếp cận thị trường). Đổi mới cũng nhằm thúc đẩy phát triển các trường đại học tư, tập đoàn hoá các trường đại học công; đa dạng hoá giáo dục đại học về chương trình và phương thức đào tạo nhằm đáp ứng các yêu cầu nghề nghiệp.

Ở Việt Nam, việc quản lý GDĐH theo mô hình quản lý công mới đang phát triển ở chiều rộng, vẫn có khoảng cách lớn giữa “tự chủ thực tế và tự chủ văn bản”, chưa hình thành cơ chế trách nhiệm giải trình, giáo dục tư thục đang đứng trước nhiều thách thức. Để khắc phục tình trạng này, những năm gần đây, nhiều cơ chế chính sách được ban hành, thông qua như: Cải cách hành chính Giáo dục, Luật GDĐH, Nghị quyết 40, Nghị quyết 29, đầu tư công theo hình thức đối tác công – tư (PPP), khung trình độ quốc gia Việt Nam, Luật GD Nghề nghiệp… Điều này cho thấy xu thế chuyển động của mô hình quản lý Nhà nước về GDĐH của Việt Nam từ mô hình chỉ huy và kiểm soát đang dần chuyển sang mô hình trao quyền và giám sát.

Các học viên tham dự lớp bồi dưỡng

Trước đó, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra đặc trưng của cuộc CMCN 4.0 là sự hợp nhất của các loại công nghệ và xoá nhoà ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, rô-bốt, internet vạn vật, khoa học vật liệu, sinh học, công nghệ di động không dây mang tính liên ngành sâu rộng.

Phần trình bày của chuyên gia đã thu hút sự chú ý của học viên là trưởng, phó các đơn vị trong toàn trường. Lớp bồi dưỡng diễn ra liên tục trong 2 ngày từ 15-16/6/2017.

Ngọc Hinh – Ngọc Vinh



Tin khác