Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng và tự chủ nghề nghiệp”

Tự chủ trong nghề nghiệp được xem như một công cụ quan trọng trong việc tạo nguồn lực để phục vụ các hoạt động cần thiết của một cơ sở giáo dục và đảm bảo cho cơ sở hoàn thành sứ mệnh của mình đối với xã hội. Là một trường có bề dày truyền thống đào tạo các ngành sư phạm, trước bối cảnh trên, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã có những đổi mới và bước đi phù hợp. Nhà trường đã phát triển theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa ngành. Đây cũng là vấn đề được đặt ra và thảo luận sôi nổi tại Hội thảo “Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng và tự chủ nghề nghiệp” diễn ra vào sáng ngày 27 tháng 1 năm 2020 tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Dự Hội thảo có GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường.

GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường 

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, thời gian qua, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã có những thay đổi lớn về quản lý hoạt động khoa học công nghệ như: Giao quyền tự chủ, tạo cơ chế và phân bổ nguồn lực tài chính. Trong lộ trình phát triển, dự kiến Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ thực hiện tự chủ toàn phần về tài chính và học thuật. Chuẩn bị cho quá trình này, Nhà trường đã xác định nhiệm vụ hàng đầu là phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ cao, đáp ứng được hoạt động đào tạo; tạo môi trường làm việc công khai, minh bạch để mỗi thành viên trong nhà trường có điều kiện tham gia đóng góp cho những quyết sách và bước đi của Nhà trường. Đặc biệt là các ngành đào tạo giáo viên. Tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, lĩnh vực được thể hiện sự tự chủ cao nhất là tự chủ trong hoạt động dạy học và đánh giá sinh viên, tự chủ trong lĩnh vực phát triển chương trình đào tạo, trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Tự chủ về học thuật, chương trình đào tạo cần được đổi mới theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, tạo ra sức hấp dẫn, lôi cuốn sinh viên. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng tập trung vào sự gắn kết giữa chương trình đào tạo và thị trường lao động. Người học sẽ không chỉ có kiến thức mà còn có những kỹ năng làm việc và được thực hành công việc thường xuyên, liên tục ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng và tự chủ nghề nghiệp sẽ giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành cho người học, từ đó sẽ hình thành ý thức nghề nghiệp.

Các cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ đào tạo cần kết kết hợp hài hòa nghiên cứu khoa học cơ bản với nghiên cứu khoa học nghiệp vụ. Bởi người làm công tác đào tạo cần hình thành và tạo cho mình năng lực để trở thành những “chuyên gia về việc học” từ đó khuyến khích và hình thành ý thức, thái độ học tập cho sinh viên. Phó Hiệu trưởng Đặng Văn Soa bày tỏ hy vọng, thông qua Hội thảo này, tinh thần tự chủ học thuật, tự chủ nghề nghiệp sẽ được triển khai và lan tỏa rộng rãi trong khắp toàn trường, tạo nên sức làm việc và diện mạo mới cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

TS. Trần Thị Hà Giang –  Khoa Sư phạm

 Hiện Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết và lựa chọn 42 bài có chất lượng cao, phù hợp với chủ đề Hội thảo và in trong kỷ yếu. Các ý kiến đã tập trung vào 3 nội dung chính: Thứ nhất, Tự chủ nghề nghiệp của giảng viên đào tạo giáo viên ở Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Thứ hai, Đổi mới công tác quản lý và đào tạo sinh viên sư phạm trong bối cảnh hiện nay; Thứ ba, Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng. Một số bài viết đã được trình bày tại Hội thảo: “Đổi mới công tác đào tạo sinh viên và bồi dưỡng giảng viên khoa sư phạm – thách thức và triển vọng” (TS. Trần Thị Hà Giang –  Khoa Sư phạm); “Phát triển năng lực giáo dục hòa nhập trẻ rối loạn phát triển cho đội ngũ giáo viên phổ thông” (TS. Đào Thị Thu Thủy – Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn); “Nâng cao chất lượng thực hành, thực tập cho sinh viên khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ đô Hà Nọi theo hướng tự chủ” (TS. Ngô Kim Hoàn, TS. Hà Thị Minh Chính – Khoa Sư phạm); “Một số vấn đề dạy và học tiếng Anh cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học – Tiếng Anh khoa Sư phạm – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: Thực trạng và giải pháp” (ThS. Trịnh Phan Thị Phong Lan – Khoa Ngoại ngữ); “Bồi dưỡng năng lực chuyển vị sư phạm cho sinh viên chuyên ngành Sư phạm Vật lý theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng” (TS. Nguyễn Thị Thuần, ThS. Vương Khả Anh – Khoa Sư phạm); “Quản lý công tác giảng dạy bằng các ứng dụng của Google apps” (TS. Phạm Ngọc Sơn – Khoa Sư phạm).

ThS. Trịnh Phan Thị Phong Lan – Khoa Ngoại ngữ

Chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng và tự chủ nghề nghiệp” đã được các đại biểu thảo luận và làm sâu sắc thêm tại Hội thảo. Thành công của Hội thảo đã góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên đào tạo giáo viên nói riêng và hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ nói chung trong toàn trường.

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 



Tin khác