Ngành Công tác Xã hội – trình độ Đại học

Cánh cửa thị trường lao động việc làm luôn rộng mở với sinh viên chuyên ngành Công tác xã hội

 Công tác xã hội được coi là nghề của “lòng tốt”, nghề của sự “sẻ chia” và nhân lên những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Với mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam; xây dựng đội ngũ cán bộ ngành CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu chất lượng góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020.

Nhận thức được yêu cầu phát triển của xã hội, nhu cầu nguồn nhân lực công tác xã hội ở Việt Nam, cũng như trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh thành khác trong hiện tại và tương lai, từ năm học 2011 - 2012 trường Đại học Thủ đô Hà Nội (tiền thân là trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) bắt đầu tuyển sinh mã ngành Công tác xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã đào tạo được 8 khóa sinh viên. Nhiều sinh viên sau khi ra trường đã được làm việc ngay tại UBND các phường trên địa bàn thành phố Hà Nội, các trung tâm chăm sóc giáo dục trẻ có rối loạn phát triển, các trung tâm Dân số KHHGĐ, các huyện đoàn, quận đoàn,….

 

Sinh viên lớp CTXH D2018 trong Chương trình Chào tân sinh viên năm học 2018 – 2019

   

Sinh viên CTXH tham gia Hội thi Nghiệp vụ giỏi cấp Trường

 Sinh viên theo học chuyên ngành Công tác xã hội tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội từ năm 2019 sẽ được tiếp cận với chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (POHE). Chương trình giáo dục này là sự gắn kết giữa chương trình đào tạo và thị trường lao động, nói một cách đơn giản hơn là người học sẽ thực sự được đào tạo theo nhu cầu của xã hội, đào tạo theo những gì mà thị trường cần và công việc yêu cầu để từ đó người học sau khi sau khi tốt nghiệp có khả năng làm việc được ngay trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.

 

Báo cáo Chương trình đào tạo CTXH theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng trình độ đại học

 Khoa Tâm lý – Giáo dục đã chủ động tăng cường hợp tác, trao đổi với các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm bảo trợ xã hội I, trung tâm giáo dục trẻ em Ngày mới, Quận đoàn Tây Hồ, UBND phường Liễu Giai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức,…. để tăng cường các hoạt động thăm quan, thực tế, thực tập tại doanh nghiệp và tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngay khi ra trường.

 

Sinh viên CTXH C2016 tham gia hoạt động tình nguyện tại Bệnh viện Tim Hà Nội

  

Sinh viên CTXH D2017 và Cán bộ nhân viên, Bác sĩ trong đợt thực tập tại bệnh viện Việt Đức

QUYỀN LỢI SINH VIÊN ĐƯỢC HƯỞNG KHI THAM GIA HỌC TẬP TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI

    Sinh viên ĐƯỢC NHẬN ƯU TIÊN xét cấp học bổng Hessen (CHLB Đức), học bổng Fulbright, học bổng “Giải golf vì sinh viên nghèo vượt khó”, học bổng của trường cho sinh viên có kết quả học tập tốt,…. khi tham gia học tại trường

    Sinh viên được học đại học cùng lúc hai chương trình ở các ngành phù hợp tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội: Giáo dục tiểu học, Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Giáo dục đặc biệt, Quản lý giáo dục, Quản lý công, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh, Quản trị khách sạn,.....

    Ngoài hoạt động học tập, sinh viên được tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa do Đoàn – Hội khoa, trường tổ chức. Đoàn - Hội trường Đại học Thủ đô Hà Nội hiện nay đang được đánh giá là một trong những tổ chức Đoàn - Hội mạnh trong khối các trường Đại học – Cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

    Nhà trường có ký túc xá, căng tin, sân bóng đá – bóng chuyền đáp ứng các hoạt động của sinh viên;

    Sinh viên thuộc diện gia đình chính sách được miễn giảm học phí, được hỗ trợ thủ tục vay vốn ngân hàng CSXH khi nhập học theo quy định hiện hành.

 CƠ HỘI VIỆC LÀM SAU KHI TỐT NGHIỆP

Sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình POHE ngành Công tác xã hội được cấp bằng Cử nhân hệ Đại học chính quy, do Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cấp và có thể làm việc:

- Trong các cơ sở đào tạo (giảng dạy Công tác xã hội tại các Trường Cao Đẳng, Đại học hoặc các bậc học cao hơn (nếu là ThS, TS…);

- Trong các cơ sở nghiên cứu (làm cán bộ nghiên cứu tại các Viện thuộc khối ngành khoa học xã hội, cán bộ dự án phát triển cộng đồng, các Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng Công tác xã hội, các doanh nghiệp xã hội, các Tổ chức Phi Chính phủ trong và ngoài nước…);

- Trong các cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc ngành Lao động – Thương binh và Xã hội như: Bộ và các cơ quan trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố; Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các quận huyện, xã phường, thị trấn; các Trung tâm Giáo dục – Lao động xã hội, Trung tâm cai nghiện ma tuý, phục hồi nhân phẩm, nhân đạo, nuôi dưỡng người già,..... (Làm nhân viên công tác xã hội, tư vấn viên, cán bộ trị liệu, cán bộ chính sách, cán bộ văn hóa,…);

- Trong các Trường học công lập và tư thục (làm nhân viên CTXH học đường, cán bộ tham vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên,...); các trung tâm như trẻ khiếm thính, trẻ chậm phát triển trí tuệ (làm giáo viên hỗ trợ cá nhân, giáo viên hòa nhập,…).

- Trong các Bệnh viện từ trung ương đến địa phương (làm nhân viên CTXH trong bệnh viện, cán bộ tham vấn tâm lý, người hỗ trợ cá nhân cho trẻ em và người lớn,....);

- Trong các tổ chức đoàn thể, chính quyền (cán bộ Đảng, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Hội Phụ nữ, cán bộ Dân số, cán bộ tuyên giáo…) ở các địa phương trong cả nước.

- Các chương trình nghiên cứu xã hội, cải tiến dân sinh, quy hoạch đô thị, bảo vệ môi trường, chương trình tài trợ, hợp tác quốc tế và phát triển xã hội, phát triển cộng đồng của tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ.

 

Sinh viên CTXH thực tập nghiệp vụ chuyên môn tại Phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội

 

Sinh viên CTXH thực hành 1 tiết dạy tại Trường Chuyên biệt Ánh sao mai

30/08/2018 08:40:06 | Số lần xem: 257
6 phút

Tin liên quan