Hội thảo “Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục thể chất trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”

Sáng 5/5, Khoa Khoa học Thể thao và sức khoẻ, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục thể chất trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.

 

Sáng 5/5, Khoa Khoa học Thể thao và sức khoẻ, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục thể chất trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”. Dự Hội thảo có TS. Nguyễn Hữu Hùng, Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh;  TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Đông Đức, Trưởng khoa Khoa học Thể thao và Sức khoẻ; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Sơn, Trưởng phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển, cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên trong khoa và các đơn vị phòng ban.

TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, định hướng nghề nghiệp là một hoạt động rất quan trọng để giúp sinh viên kết nối với thực tiễn, đưa hoạt động đào tạo gần hơn với nhu cầu xã hội bằng những chương trình tham quan thực tế sản xuất, hội thảo chuyên đề, gặp gỡ doanh nghiệp. Định hướng nghề nghiệp giúp học sinh, sinh viên có thể lựa chọn được con đường đi phù hợp với mình, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội. Nhận thức tầm quan trọng đó, Khoa Khoa học Thể thao và Sức khỏe, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục thể chất trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.

Hội thảo là diễn đàn để những người làm công tác Thể dục Thể thao, giảng dạy Giáo dục thể chất và quản lý trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm đào tạo - giáo dục và tìm kiếm sự hợp tác trong định hướng nghề nghiệp và cơ hội việc làm cho sinh viên. Từ đó, tạo động cơ, thái độ đúng đắn cho sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện. Đồng thời, Hội thảo cũng là dịp trao đổi thông tin, hỗ trợ giảng viên trong việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố Hà Nội cũng như của toàn xã hội trong thời đại 4.0.

TS. Nguyễn Hữu Hùng, Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của mình trong định hướng nghề nghiệp cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành giáo dục thể chất và chất lượng đào tạo nói chung của Nhà trường. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề: Định hướng công tác đào tạo nghề cho sinh viên Sư phạm ở các trường đại học; Giải pháp nâng cao cơ hội vị trí việc làm cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục Thể chất; Giáo dục thể chất cho các trường mầm non tại Thủ đô Hà Nội và cơ hội việc làm cho sinh viên chuyên ngành Giáo dục Thể chất; Định hướng đào tạo sinh viên ngành Giáo dục Thể chất đáp ứng chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông; Lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cử nhân chuyên ngành Thể dục, Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh; Xu thế tất yếu trong thời đại 4.0 – Giáo dục đại học phải theo định hướng nghề nghiệp.

Một số hình ảnh tại Hội thảo

Có thể thấy, thực trạng đào tạo nguồn nhân lực ngành Giáo dục Thể chất của một số trường đại học, trong đó có Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Đại học Thủ đô Hà Nội đã có nhiều tích cực như: Mức thu nhập trung bình sau tốt nghiệp của sinh viên chuyên ngành Thể dục cao hơn, sinh viên ra trường tìm được việc làm đúng chuyên môn cũng cao hơn…Tuy nhiên, thực trạng chương trình đào tạo cử nhân chuyên ngành thể dục hiện nay còn nhiều bất cập như: Chương trình chưa quan tâm đến chuẩn đầu ra thực tế xã hội dẫn đến quá trình tiếp cận việc làm gặp một số khó khăn. Đơn vị sử dụng lao động phải tổ chức đào tạo lại kỹ năng doanh nghiệp cần với sinh viên, bên cạnh đó tỉ lệ sinh viên chuyên ngành thể dục tốt nghiệp hàng năm chưa đáp ứng được số lượng cần từ các cơ sở sử dụng lao động. Chính vì vậy, việc lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành Giáo dục Thể chất đáp ứng nhu cầu xã hội là vấn đề cần thiết và cấp thiết.

 

     

 

06/05/2023 17:07:58 | Số lần xem: 109
4 phút