Thực tiễn dạy học và những vấn đề đặt ra trong đào tạo giáo viên môn Ngữ văn

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia và cán bộ, giảng viên...

Ngày 19/1, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chương trình giáo dục môn Ngữ văn 2018 sách giáo khoa Ngữ văn - thực tiễn dạy học môn học và những vấn đề đặt ra trong đào tạo giáo viên”.

Dự Hội thảo, có GS.TS.NGND. Trần Đình Sử - người tham gia xây dựng chương trình khung, chủ biên một số bộ sách giáo khoa Ngữ văn; PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; TS. Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng, Cục Nhà giáo – Bộ Giáo dục và Đào tạo; TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Tiểu học – Bộ Giáo dục và Đào tạo; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự Hội thảo có TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường.

 PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Theo PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, hiện Nhà trường đang đào tạo đa ngành, trong đó thế mạnh là đào tạo giáo viên cho các bậc học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tới trung học phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có chương trình dạy học môn Ngữ văn đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ sở đào tạo giáo viên Ngữ văn. Sự thay đổi về mục tiêu, chuẩn “đầu ra”, cấu trúc chương trình, nội dung dạy học, các hình thức kiểm tra, đánh giá... là những yêu cầu có tính cấp thiết trong việc đào tạo giáo viên Ngữ văn hiện nay. Chính vì vậy, thời gian qua, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội rất quan tâm tới các vấn đề, giải pháp để chỉnh sửa, cải tiến chương trình đào tạo sư phạm Ngữ văn nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu xã hội.

PGS.TS. Vũ Công Hảo, Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Tại Hội thảo, PGS.TS. Vũ Công Hảo, Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, nắm bắt được thực trạng cũng như những băn khoăn hiện nay liên quan đến việc đào tạo giáo viên Ngữ văn, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các thầy, cô giáo, nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trao đổi, trao lưu, chia sẻ về đào tạo giáo viên Ngữ văn đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các ý kiến tại Hội thảo tập trung đề cập đến những vấn đề chung về chương trình, sách giáo khoa Ngữ văn và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện nay; việc khai thác ngữ liệu và tích hợp dạy học trong sách giáo khoa Ngữ văn; các vấn đề phát triển chương trình, ứng dụng công nghệ trong dạy học Ngữ văn... Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học và các nhà giáo cũng thảo luận về công tác bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Ban tổ chức đã nhận được hơn 100 bài viết gửi tham dự Hội thảo. Các tham luận tại Hội thảo đã chia sẻ những góc độ tiếp cận khác nhau trong việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề đặt ra trong đào tạo giáo viên Ngữ văn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, môn học Ngữ văn tuy có lịch sử phát triển lâu dài, nhưng phương pháp dạy học hầu như ít thay đổi. Từ trước năm 2000, hầu hết là dạy học theo hướng bình văn, giảngvăn, phân tích tác phẩm... Đến chương trình Ngữ văn 2006 mới chuyển sang dạy đọc hiểu văn bản.

Chương trình Ngữ văn 2018 tiếp tục theo hướng đọc hiểu nhưng gắn với yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực. Đó là một bước tiến dài nhằm đổi mới và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Nhấn mạnh, dạy học theo hướng hình thành và phát triển năng lực là một xu thế tiến bộ không chỉ trong dạy học Ngữ văn, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống khẳng định, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng đó.

Tuy nhiên, để biến các ý tưởng dạy học phát triển năng lực thành hiện thực là cả vấn đề không ít thách thức, khó khăn. “Đọc hiểu là gì đã khó; dạy đọc hiểu như thế nào còn khó hơn; khó nhất là thực hành dạy đọc hiểu trên lớp” - PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống nêu vấn đề.

Để việc đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thành công, PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống nhấn mạnh, trước hết phải trông chờ vào chất lượng của việc bồi dưỡng và đào tạo giáo viên. Không ai thay thế được giáo viên. Vì thế, gánh nặng này “đè lên” vai các trường sư phạm, nhà nghiên cứu Ngữ văn, chuyên gia về phương pháp dạy học môn học này một khoảng trống rất lớn đang cần san lấp về dạy học phát triển năng lực môn Ngữ văn.

Một số ý kiến khác tại Hội thảo cho rằng, cần đồng bộ cả ba khâu: Triển khai chương trình, biên soạn học liệu, đào tạo giáo viên là sự bảo đảm cần thiết để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng như Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn năm 2018. Thiếu một khâu nào, không ổn ở khâu nào cũng không được, vì ba khâu đó ví như ba chân kiềng tạo thế đứng vững vàng cho công cuộc đổi mới giáo dục ở phổ thông.

Hội thảo diễn ra trong một ngày với phiên toàn thể và các phiên chuyên đề liên quan đến các nội dung: Đào tạo giáo viên; phát triển chương trình; bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giảng dạy; công tác kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn...

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 

19/01/2024 14:52:55 | Số lần xem: 274
6 phút