Hội thảo: “Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trong bối cảnh chuyển đổi số”

Ngày 22/8, khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo: “Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trong bối cảnh chuyển đổi số”.

 

Ngày 22/8, khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo: “Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Dự Hội thảo có PGS.TS Phạm Hùng Việt, nguyên Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa toàn thư, thành viên Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước; các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, các chuyên gia ứng dụng công nghệ đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, tham dự Hội thảo có PGS. TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường; lãnh đạo các đơn vị cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên khoa Ngoại ngữ.

PGS. TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749QĐ – TTg, Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số. Quyết định chỉ rõ “Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa”. Trên cơ sở đó, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã xây dựng đề án số 1213/ĐA-ĐHTĐHN “Chuyển đổi số Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt, đây là căn cứ để Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chủ động triển khai công tác chuyển đổi số không chỉ cho các ngành, lĩnh vực đào tạo nói chung trong trường mà đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ nói chung và ngoại ngữ nói riêng. Như vậy, chuyển đổi số trong nghiên cứu và giảng dạy dạy ngôn ngữ hiện nay là cần thiết, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên, bên cạnh một số thành tựu đã đạt được, chuyển đổi số trong nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ đã và đang gặp phải khó khăn, rào cản nhất định. Do đó, để công cuộc chuyển đổi số này đạt hiệu quả, cần có các giải pháp hữu hiệu, phù hợp, từng bước tháo gỡ khó khăn, bất cập trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ.

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hội thảo “Nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trong bối cảnh chuyển đổi số” là một diễn đàn quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc, là cơ hội để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, giảng viên giảng dạy ngoại ngữ có cơ hội được trao đổi học thuật, đề ra những giải pháp trong việc đổi mới cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, sự tương tác với người học trong không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công nhằm giúp thay đổi phương pháp giảng dạy, học tập từ truyền thống sang phương pháp giảng dạy tích cực, giúp người dạy và người học phát huy được tính chủ động, khả năng tư duy, sáng tạo với chất lượng và hiệu quả cao. Việc đưa chuyển đổi số vào hoạt động dạy và học đã dần thay đổi mô hình lớp học tập trung đã dần chuyển sang các mô hình dạy học trực tuyến, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để hỗ trợ các hoạt động giảng dạy, học tập và cơ sở quyết định sự thành công của giáo dục trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng sẽ là cơ hội, là điều kiện giao lưu, hợp tác nghiên cứu giữa các giảng viên, các nhà khoa học trong và ngoài trường trong một hội thảo khoa học liên ngành. Từ đó, hỗ trợ giảng viên không ngừng đổi mới phương pháp, so sánh đối chiếu các ngôn ngữ, nâng cao chất lượng nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trên cơ sở bối cảnh của thời kỳ khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của nhà trường, thành phố cũng như của toàn xã hội.

TS. Trần Quốc Việt, Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

TS. Trần Quốc Việt, Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận định, chuyển đổi số trong giáo dục đặc biệt trong nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ nói chung và ngoại ngữ là một thay đổi về phương pháp dạy học, cải thiện các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về kết nối và chia sẻ của giảng viên và sinh viên ngay trong khuôn viên của trường học, kết nối và chia sẻ trên phương diện toàn cầu hoá. Điều đó giúp tạo ra môi trường học tập nơi mọi thứ kết nối với nhau. Sự kết hợp mới mẻ của công nghệ, dịch vụ và bảo mật nhằm thu hẹp khoảng cách địa lý để tạo ra trải nghiệm trong học tập và tăng sự tương tác của mọi người.

Đến thời điểm này, Ban nội dung tổ chức Hội thảo đã nhận được 50 bài viết, tham luận tham dự hội thảo. Trong đó: Số bài viết của nhà khoa học, giảng viên ngoài trường là 11 bài, tương ứng 22% tổng số bài. Số bài viết bằng tiếng Việt là 21 bài, tương ứng 42% tổng số bài. Các bài viết bằng tiếng Anh là 18 bài, chiếm 36% tổng số bài. Các bài viết bằng tiếng Trung là 11 bài, chiếm 22% tổng số bài.

Các bài viết đều tập trung làm rõ các nội dung chính mà chủ đề hội thảo đề cập, như: Các vấn đề chung trong nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ hiện nay. Cơ sở lý luận và đường hướng nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trong bối cảnh chuyển đổi số: thể hiện qua các chính sách, quy định của nhà nước. nghiên cứu về chuyển đổi số: cơ sở lý luận, các mô hình, quan điểm. Thực trạng nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trong bối cảnh chuyển đổi số tại các trường cao đẳng, đại học nói chung và tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói riêng. Các thành tựu đạt được, các mô hình, các dự án nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trong bối cảnh chuyển đổi số. 

Hội thảo đã nhận được nhiều sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ngôn ngữ, các chuyên gia ứng dụng công nghệ đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học. Một số báo cáo được trình bày tại Hội thảo như: “Chương trình tra cứu ngữ cảnh từ ngữ tiếng Việt hỗ trợ cho việc nghiên cứu và biên soạn từ điển tiếng Việt” (PGS.TS. Phạm Hùng Việt. Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam); Xu hướng công nghệ giáo dục và các mô hình lớp học ứng dụng số hóa phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới” (TS. Lương Bá Phương. Học viện Báo chí Tuyên truyền); “Oxford collocation dictionary for students of English nhìn từ góc độ từ điển học chức năng”  (TS. Hoàng Thị Nhung. Viện Ngôn ngữ- Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam); “Ngắt lời và chức năng của ngắt lời trong giao tiếp” (TS. Phạm Hồng Vân. Trường đại học FPT); “外语教学中混合学习模型的使用趋势及其在河内首都大学实施的建议(ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương. Khoa Ngoại ngữ); “Application of digitaltransformation to English language testing and assessment (ThS.NCS. Phạm Hồng Trang. Khoa Ngoại ngữ).

PGS.TS. Phạm Hùng Việt. Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam

TS. Lương Bá Phương. Học viện Báo chí Tuyên truyền

 

ThS.NCS. Phạm Hồng Trang. Khoa Ngoại ngữ

 

 

Theo các đại biểu, với xu thế mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, việc nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và ngoại ngữ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn do cơ hội giao lưu ngày càng dễ dàng, liên tục. Việc giảng dạy, đào tạo những kỹ năng cơ bản không còn bị bó hẹp trong khuôn mẫu sư phạm hay trong những giáo trình khô cứng mà được mở rộng qua kinh nghiệm thực tiễn lẫn thực tế sinh động từ những biến chuyển, thay đổi của tình hình kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng các kỹ thuật công nghệ đối với nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ thông qua tiếp cận các phương thức dạy và học hiện đại, tiên tiến trên thế giới ngày càng dễ dàng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và mở rộng hợp tác hiện nay, các trường đại học chủ động mở rộng giao lưu hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế, qua đó mở ra cơ hội và điều kiện để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tiếp cận được các phương pháp giảng dạy hiệu quả từ bên ngoài. Thực tế cũng cho thấy, không chỉ các trường đại học trong nước nỗ lực hợp tác với các đối tác nước ngoài mà hiện nay chính các đối tác ngoại cũng đang tìm cách mở rộng, hợp tác với các trường đại học Việt Nam để mở rộng vị thế, ảnh hưởng và quy mô đào tạo.

Khi áp dụng những thành tựu của cách mạng 4.0 vào việc nghiên cứu, ứng dụng giảng dạy ngoại ngữ nhìn chung sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản, khác biệt so với phương pháp dạy truyền thống, giúp cho người dạy và người học chủ động hơn trong việc tiếp cận với các nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả công nghệ thông minh để áp dụng trong việc nghiên cứu và ứng dụng dạy ngôn ngữ. Việc nghiên cứu đánh giá và đưa ra các xu thế và giải pháp trong việc nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trong thời đại cách mạng công nghiệp 4. là một đòi hỏi cấp thiết và tất yếu. Do vậy, việc bàn thêm về vấn đề này trong bối cảnh phát triển toàn cầu hóa hiện nay là thực sự cần thiết. Nội dung của hội thảo lần này cũng nhằm tập trung nghiên cứu cách thức giảng dạy trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 ở nước ta hiện nay.

 

 

22/08/2023 11:01:02 | Số lần xem: 75
9 phút