Hội thảo “Phương án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam và đánh giá tác động xã hội”
Thực hiện Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII: “Sắp xếp, tổ chức lại, tập trung xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm để đào tạo đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục” và triển khai nhiệm vụ nghiên cứu thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia mã số : KHGD/16-20.ĐT.2035 “Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035”, Văn phòng Chương trình Khoa học giáo dục – Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên phối hợp với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ tổ chức Hội thảo “Phương án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam và đánh giá tác động xã hội” vào ngày 15 tháng 7 năm 2020.
Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có PGS.TS. Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; TS. Nguyễn Duy Quyết, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội; PGS.TS. Hà Trần Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên; chuyên gia từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng sư phạm; giảng viên các trường sư phạm; lãnh đạo các sở Giáo dục và Đào tạo; thành viên nghiên cứu đề tài và các nhà khoa học quan tâm. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự Hội thảo có TS. Nguyễn Tiến Thăng, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Nhà trường; các Phó Hiệu trưởng: TS. Đỗ Hồng Cường, GS. TS. Đặng Văn Soa cùng cán bộ, giảng viên trong trường.
TS. Nguyễn Tiến Thăng, Chủ tịch hội đồng trường ĐH Thủ đô Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Tiến Thăng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp các đại biểu, các nhà khoa học về tham dự Hội thảo. Với tư cách là đơn vị “chủ nhà”, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên đã tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất cũng như nội dung để Hội thảo diễn ra với chất lượng, hiệu quả cao. Hội thảo “Phương án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam và đánh giá tác động xã hội” là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học tiếp cận các vấn đề nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực sư phạm và đào tạo các ngành sư phạm. Với tinh thần cầu thị, học hỏi, qua Hội thảo này, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội mong muốn sẽ có những sự phối hợp, liên kết với Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên và hệ thống các trường đào tạo sư phạm trong việc nghiên cứu, đào tạo sư phạm trong thời gian tới.
PGS.TS. Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Việt Nam hiện có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm ở các địa phương và 33 khoa sư phạm trong các trường đại học đa ngành khác tham gia đào tạo giáo viên. Bên cạnh đó, còn có 24 trường cao đẳng, 38 trường trung cấp không phải là trường sư phạm có chương trình đào tạo giáo viên. Quy mô đào tạo giáo viên hiện nay đã vượt quá nhu cầu xã hội. Từ năm 2013 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm luôn cao hơn mục tiêu đề ra. Chỉ tiêu của các trường đại học sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý khoảng 10.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, có hơn 40.000 chỉ tiêu còn lại do các địa phương quyết định và giao cho các trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn mình quản lý. Số chỉ tiêu này nằm ngoài sự kiểm soát của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Quy trình triển khai quy hoạch các trường đại học đã bộc lộ một số bất cập: Sự phân bổ các cơ sở giáo dục đại học dàn trải về địa lý, việc thành lập trường vẫn theo nhu cầu phát triển của từng bộ ngành, địa phương, chưa quan tâm tới tính hệ thống, đồng bộ của cả hệ thống… Do vậy, cần có sự quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, tạo tính thống nhất và nâng cao chất lượng độ ngũ nhà giáo. Mục tiêu đến năm 2015, tầm nhìn 2035, Việt Nam sẽ hình thành được mạng lưới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đảm bảo tinh gọn, chất lượng, hiệu quả; số lượng, cơ cấu hợp lý, trong đó có một số trường sư phạm trọng điểm quốc gia và phân hiệu trường sư phạm trọng điểm quốc gia, cơ sở bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu về số lượng, cơ cấu, năng lực giáo viên của các địa phương. Để thực hiện được mục tiêu này cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ quản lý Nhà nước đến đảm bảo chất lượng, phát triển đội ngũ và có cơ chế tài chính cũng như chiến lược truyền thông.
PGS.TS. Hà Trần Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên phát biểu tại hội thảo
Tại Hội thảo, thay mặt các thành viên thực hiện chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia“Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035”, PGS.TS. Hà Trần Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên đã trình bày báo cáo phương án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với các cơ sở pháp lý, đánh giá thực trạng mạng lưới các trường sư phạm, đề xuất phương án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam, lộ trình cũng như các giải pháp thực hiện. Tiếp đó là tham luận “Một số vấn đề cần quan tâm trong hoạch định chính sách với nhà giáo trong bối cảnh mới” (PGS.TS. Bùi Văn Quân, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội); “Mô hình dự báo nhu cầu nguồn nhân lực giáo viên giai đoạn 2020 – 2035, tầm nhìn 2035” (PGS.TS. Ngô Hoàng Long, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội).
PGS.TS. Ngô Hoàng Long, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Sau một thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội thảo “Phương án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam và đánh giá tác động xã hội” đã đề xuất mô hình quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 theo phân vùng địa lý, theo từng ngành đào tạo giai đoạn từ 2020 – 2025 và từ 2025 – 2035; đánh giá tác động xã hội đối với mô hình kế hoạch đã đề xuất.
Kết quả từ Hội thảo cũng được nhóm nghiên cứu chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035” sử dụng để điều chỉnh nghiên cứu phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Ngọc Hinh - Ngọc Vinh