Tuyên truyền văn hoá giao thông và một số quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Ngày 28 tháng 12 năm 2018, Đoàn thanh niên trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp với ban An toàn giao thông Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tuyên truyền văn hoá giao thông và một số quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) cho cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên trong toàn trường.

 

Nhằm nâng cao ý thức thực hiện văn hoá giao thông và chấp hành an toàn giao thông (ATGT), ngày 28 tháng 12 năm 2018, Đoàn thanh niên trường Đại học Thủ đô Hà Nội phối hợp với ban An toàn giao thông Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tuyên truyền văn hoá giao thông và một số quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) cho cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên trong toàn trường.

Tại Hội nghị, ông Phạm Đức Giang, Phó Chánh văn phòng, ban An toàn Giao thông Thành phố Hà Nội đã trình bày 2 chuyên đề về: Tình hình kết quả công tác đảm bảo TT ATGT 11 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng cuối năm; một số văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố Hà Nội về công tác đảm bảo TT ATGT và một số quy định của pháp luật về đảm bảo TT ATGT đường bộ, đường sắt. Theo ông Giang, báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, 9 tháng đầu năm 2018, tình hình TT ATGT tiếp tục có chuyển biến tích cực, giao thông trong các đô thị lớn và trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được duy trì ổn định; tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2017. Tính đến ngày 15/9, toàn quốc xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.012 người, bị thương 10.319 người. So với 9 tháng đầu năm 2017, giảm 1.120 số vụ, giảm 113 người chết, giảm 1.467 người bị thương. Số nạn nhân trẻ em dưới 18 tuổi bị thương vong do tai nạn giao thông là 962 người, giảm 18,5% so với 9 tháng cùng kỳ năm 2017.

Ông Phạm Đức Giang, Phó Chánh văn phòng, ban An toàn Giao thông Thành phố Hà Nội thuyết trình tại Hội nghị

Tuy vậy, qua những số liệu nghiên cứu đã được thực hiện, các nhà chuyên môn nhận thấy trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia giao thông. Đối với học sinh THPT và sinh viên, đối tượng được phép tham gia giao thông độc lập, nhưng lại thiếu những kỹ năng xử lý tình huống thực tế và kém hiểu biết về quy định pháp luật ATGT, cần phải nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng, gia đình và nhà trường hơn nữa. 

Hội nghị tuyên truyền tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên và cách phòng chống tai nạn, thương tích khi tham gia giao thông. Tại Hội nghị, ban tổ chức đã cung cấp những kiến thức về ATGT, những nguy cơ của việc lái xe sau khi uống rượu bia và những hậu quả do hành vi này gây ra. Qua đó, giúp sinh viên thay đổi suy nghĩ và hành vi tham gia giao thông của mình, khuyến khích sinh viên và các giảng viên với những hiểu biết của mình sẽ truyền tải thông điệp và tác hại của lái xe sau khi uống rượu bia đến bạn bè và gia đình. Bên cạnh đó, những kiến thức về tác hại của việc sử dụng đồ uống có cồn; quy định của pháp luật về nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở người tham gia giao thông cũng được phổ biến và truyền tải tại Hội nghị.

Chương trình đã diễn ra thành công, góp phần giúp sinh viên có những trải nghiệm quý báu, giáo dục những kiến thức, kỹ năng cần thiết để mỗi sinh viên tự trau dồi kiến thức, bản lĩnh, xây dựng cho mình lối sống văn hóa, văn minh, qua đó giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến thanh thiếu niên, đặc biệt là các vụ tai nạn có nguyên nhân từ bia, rượu.

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 

 

 

28/12/2018 11:29:24 | Số lần xem: 3
4 phút

Tin liên quan