Hội thảo lấy ý kiến về cuốn sách “Trường Đại học Thủ đô Hà Nội - 60 năm truyền thống xây dựng và phát triển”

Sáng ngày 15 tháng 11 năm 2018, Nhà trường đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý, bổ sung để hoàn thiện cuốn sách “Trường Đại học Thủ đô Hà Nội - 60 năm truyền thống xây dựng và phát triển” .

 

Nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của trường Đại học Thủ đô Hà Nội sắp tới (06/01/1959 – 06/01/2019), Nhà trường đã tổ chức biên soạn cuốn sách: “Trường Đại học Thủ đô Hà Nội - 60 năm truyền thống xây dựng và phát triển” nhằm nhìn lại quá trình thành và phát triển, đánh giá những thành tựu đã đạt được, tổng kết và rút ra những bài học kinh nghiệm cho chặng đường phát triển tiếp theo. Đến nay, bản thảo cuốn sách đã cơ bản hoàn thành. Sáng ngày 15 tháng 11 năm 2018, Nhà trường đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý, bổ sung để hoàn thiện cuốn sách.

Dự Hội thảo, về phía khách mời có các cựu cán bộ quản lý, giảng viên… nguyên là lãnh đạo Nhà trường qua các thời kỳ. Về phía trường Đại học Thủ đô Hà Nội có NGƯT.PGS.TS. Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng các thành viên trong Tiểu ban nội dung chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của trường.

TS. Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng Nhà trường

Báo cáo tình hình tiến độ và nội dung cuốn sách “Trường Đại học Thủ đô Hà Nội -60 năm truyền thống xây dựng và phát triển”, TS. Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, cuốn sách này được biên soạn cho nhiều đối tượng người đọc. Qua cuốn sách, mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên các thế hệ trong 60 năm qua sẽ được gặp lại kí ức và kỉ niệm của chính mình. Các vị khách quý, những đối tác của Nhà trường có thể thấy ở cuốn sách này những lĩnh vực và cơ hội phát triển hợp tác. Đồng thời, các bậc phụ huynh, sinh viên, học sinh có thể tìm kiếm thông tin về Nhà trường và các ngành đào tạo để đặt niềm tin cho mình, con em mình trên con đường chinh phục tri thức và hình thành năng lực nghề nghiệp cho tương lai.

Nội dung cuốn sách được chia làm 2 phần: Những dấu son trên chặng đường 60 năm xây dựng và phát triển (1959 - 2019); Những viên gạch xây đắp mái trường Thủ đô thân yêu.Nội dung chủ yếu của lịch sử trường nằm ở phần thứ nhất gồm 3 chương, khái quát quá trình hình thành và phát triển của nhà trường qua 60 năm. Trong đó, Chương 1 có tiêu đề “Trường Sư phạm trung, sơ cấp Hà Nội và sứ mệnh đào tạo giáo viên, phát triển giáo dục Thủ đô sau giải phóng (giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1978)”. Chương 2 là “Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội tiếp nối truyền thống, nâng tầm nhiệm vụ (giai đoạn từ năm 1978 đến năm 2014)”. Chương 3 “Trường Đại học Thủ đô Hà Nội viết tiếp trang sử vàng trong vị thế và sứ mạng mới (từ năm 2014 đến nay)”. Cuốn sách được biên soạn trên quan điểm tôn trọng  tính khách quan lịch sử và tính thực tiễn, thể hiện mối quan hệ giữa tính toàn diện và tính cụ thể trong suốt 60 năm qua. Đội ngũ biên soạn, biên tập quy tụ nhiều cá nhân am hiểu sâu sắc và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nhà trường từ Ban Giám hiệu, Đảng ủy; Phòng Tổ chức cán bộ, Phòng Thanh tra - Pháp chế, Công đoàn trường, Thư viện, Phòng Tạp chí, đại diện cán bộ hưu trí…

Thầy Vũ Thịnh, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường

 Cô Nguyễn Tài Vân, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường

Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu đã đánh giá cao tính công phu và khoa học của nội dung cuốn sách. Tuy vậy, các đại biểu cũng góp ý Nhà trường nên làm rõ các đặc trưng của từng giai đoạn cụ thể; bổ sung thêm các nguồn tư liệu thông qua chính đội ngũ các cựu giáo chức; có thêm các thông tin về chất lượng, hiệu quả đào tạo thông qua kết quả khảo sát tỉ lệ việc làm và đặc thù nghề nghiệp của các khóa sinh viên sau tốt nghiệp…

PGS.TS. Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các cựu giáo chức, Hiệu trưởng Bùi Văn Quân khẳng định, để có được trường Đại học Thủ đô Hà Nội như ngày hôm nay, nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ giảng viên và học sinh, sinh viên của trường đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến nhiều công sức, trí tuệ và tâm huyết. Tri ân các thế hệ đi trước, tập thể cán bộ giảng viên và học sinh, sinh viên ngày hôm nay đã và đang tiếp nối truyền thống tốt đẹp, kế thừa thành tựu, tích cực xây dựng, khẳng định vị thế, thương hiệu của trường. Bên cạnh việc tiếp nối truyền thống đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có trình độ cao bậc Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở; Nhà trường  không ngừng xây dựng và phát triển các ngành đào tạo mới nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội; nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ; xây dựng Nhà trường thành trung tâm đào tạo đa ngành chất lượng cao của Thủ đô Hà Nội và khu vực. Với tinh thần cầu thị, Ban Giám hiệu Nhà trường sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp quý báu và ngay sau Hội thảo, Tiểu ban nội dung sẽ tập trung bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để nhanh chóng hoàn thiện cuốn sách, Trước hết, cần tập hợp các minh chứng, tài liệu, rà soát lại nội dung gốc thông qua các sản phẩm trung gian (hồi ký); Thứ hai, tại mỗi giai đoạn lịch sử cần bổ sung phần kết với các bài học kinh nghiệm được rút ra qua các mô hình hoạt động, đặc biệt là giai đoạn mới của trường Đại học Thủ đô Hà Nội cần nêu bật được sứ mệnh, giá trị cốt lõi và phương châm hoạt động; Thứ ba, về hình thức cuốn sách, cần chú ý đến tiêu đề, ngôn ngữ và tính cân đối, hài hoà giữa các hình ảnh cá nhân cũng như đơn vị.

Các đại biểu nguyên là lãnh đạo của trường Đại học Thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ

Sau thời gian trao đổi, góp ý thân mật và cởi mở, Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp, cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho việc hoàn thiện cuốn sách “Trường Đại học Thủ đô Hà Nội - 60 năm truyền thống xây dựng và phát triển”. Đây là một trong những điểm nhấn trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống của Nhà trường.

 Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

16/11/2018 09:34:47 | Số lần xem: 2
6 phút

Tin liên quan