Hội thảo khoa học dành cho cán bộ, giảng viên trẻ lần thứ 6

Hội thảo khoa học dành cho cán bộ, giảng viên trẻ lần thứ 6 được tổ chức với chủ đề: “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số”.

 

Sáng ngày 19/8, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học dành cho cán bộ, giảng viên trẻ lần thứ 6 với chủ đề: “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số”.

Dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng cùng lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, giảng viên trẻ trong toàn trường. 

 PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường đã nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ đối với sự phát triển của Nhà trường nói riêng và đất nước nói chung. Theo đó, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội luôn xác định và nhận thức được vai trò cuả đội ngũ cán bộ, giảng viên trẻ là nguồn kế cận tương lai. Đây là lực lượng hội tụ đầy đủ tố chất về trình độ, phẩm chất và năng lực, đặc biệt được đào tạo cơ bản, luôn phát huy tính năng động, sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng thời cũng là lực lượng quan trọng góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáodục, đào tạo và nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ.

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là sự thay đổi về công nghệ mà còn là cuộc cách mạng về cơ chế tổ chức vận hành. Giáo dục là mộttrong những lĩnh vực đang được Chính phủ khuyến khích và ưu tiên đẩy mạnh chuyển đổi số. Để thích ứng, mỗi cá nhân phải thông ngừng nỗ lực rèn luyện, sáng tạo thay đổi bản thân, truyền cảm hứng cho học viên, sinh viên thông qua hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học. 

Hội thảo này là dịp để cán bộ giảng viên trẻ trong Nhà trường trao đổi, chia sẻ nhận thức, quan điểm, đánh giá thực trạng, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong bối cảnh chuyển đổi số. Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền cũng bày tỏ hy vọng, Hội thảo sẽ là diễn đàn để cán bộ giảng viên trẻ có thể cởi mở chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của mình nhằm xây dựng môi trường học thuật liêm chính, tạo động lực cho cán bộ giảng viên trẻ phấn đấu xây dựng và phát triển Nhà trường. 

Các tác giả trình bày tham luận tại Hội thảo

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng từ gần 60 cán bộ, giảng viên của 23 đơn vị trực thuộc trường với 47 tham luận khoa học. Trong đó, một số đơn vị có nhiều thành viên tích cực tham gia Hội thảo như: khoa Sư phạm (14 tham luận), khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn (7 tham luận), khoa Ngoại ngữ, khoa học Thể thao và Sức khỏe (6 tham luận).

Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với 2 phiên thảo luận: Ứng dụng công nghệ vào dạy học trong bối cảnh chuyển đổi số và Phát triển năng lực nghiên cứu cho cán bộ, giảng viên trẻ đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Tại phiên thảo luận thứ nhất, các đại biểu đã tập trung vào các nội dung: Phát triển năng lực số cho cán bộ, giảng viên, sinh viên; Ứng dụng các phần mềm trong giáo dục, đào tạo; Đào tạo trực tuyến trong các trường đại học; Mối quan hệ giữa chuyển đổi số và giáo dục STEAM, STEM; Các mô hình giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số. 

Trong phiên thứ 2, các tham luận đã đề cập tới những vấn đề: Định hướng, chính sách nghiên cứu khoa học cho cán bộ giảng viên trẻ; Thực trạng nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số; Giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số; Vai trò của các đoàn thể, đơn vị quản lí và các bên liên quan để nâng cao nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên trẻ trong bối cảnh chuyển đổi số; Mô hình hoạt động của nhóm nghiên cứu dành cho cán bộ giảng viên trẻ trong các trường đại học.

Ban tổ chức điều hành Hội thảo

Theo kết quả tổng kết lĩnh vực Khoa học công nghệ hàng năm, 100% giảng viên trẻ Trường Đại học Thủ đô Hà Nội hoàn thành định mức nghiên cứu khoa học, trong đó 7% xếp loại A, 18% xếp loại B, 26% xếp loại C, 49% hoàn thành. Tuy nhiên, theo kết quả khen thưởng Khoa học công nghệ hàng năm, số lượng cán bộ, giảng viên trẻ được khen do có công bố khoa học có chất lượng không cao, khoảng 3%  giai đoạn 2017-2022.  Hầu hết công trình quy đổi giờ khoa học công nghệ hàng năm của cán bộ, giảng viên trẻ đến từ bài Hội thảo cấp trường, Hội thảo cấp khoa, seminar, biên soạn chương trình đào tạo, đề cương chi tiết, số ít được tính từ bài đăng tạp chí, hội thảo quốc gia, quốc tế; tham gia đề tài. Hầu như không có sản phẩm đăng ký sở hữu trí tuệ… Thống kê trong 3 năm 2020, 2021 và 2022,  số lượng cán bộ, giảng viên trẻ tham gia làm chủ nhiệm các đề tài cấp trường, chủ nhiệm các đề án, chủ biên biên soạn sách giáo trình thấp (dưới 15%), trừ năm 2022 có chủ chương xã hội hóa biên soạn sách giáo trình chủ biên là cán bộ giảng viên trẻ đạt 35%. Nhìn chung, chất lượng nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên trẻ của Trường Đạihọc Thủ đô Hà Nội thấp hơn nhiều so với các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hà Nội và cả nước.

Trên cơ sở phân tích thực trạng đó, các ý kiến tại Hội thảo đã đưa ra một số nhóm giải pháp để phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên của Nhà trường: Đó là, cần xây dựng cơ chế chính sách và dành nguồn lực nhất định đầu tư cho cán bộ, giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học. Tổ chức các nhóm nghiên cứu, cử các nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm hướng dẫn cho cán bộ giảng viên trẻ; xây dựng môi trường học thuật liêm chính, lành mạnh, xây dựng các mô hình câu lạc bộ khoa học trẻ, tăng ứng dụng công nghệ thông tin và có  nhiều sân chơi, diễn đàn, tạo động lực cho cán bộ giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các đơn vị trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên trẻ.

 Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. 

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 

 

19/08/2022 17:06:29 | Số lần xem: 2
6 phút

Tin liên quan