Hội nghị Tổng kết công tác thực tập sư phạm cấp thành phố năm học 2018 – 2019
Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Thực tập sư phạm Thành phố Hà Nội
Sáng 16 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Ban chỉ đạo Thực tập sư phạm Thành phố Hà Nội đã tổ chức “Hội nghị tổng kết công tác Thực tập sư phạm cho sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội và trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Dự và chủ trì Hội nghị có ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Thực tập sư phạm Thành phố Hà Nội năm học 2018 - 2019; lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hai Bà Trưng; đại diện Ban giám hiệu các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở có sinh viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến thực tập năm học 2018 - 2019. Về phía Nhà trường có TS. Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng, Phó Trưởng ban chỉ đạo Thực tập sư phạm Thành phố Hà Nội; TS. Bùi Ngọc Kính, Trưởng phòng Đào tạo và một số chuyên viên phụ trách công tác thực tập.
TS. Bùi Ngọc Kính, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Công tác thực tập sư phạm đạt nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết, TS. Bùi Ngọc Kính, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, hoạt động Thực tập sư phạm của Nhà trường năm học 2018 - 2019 đã được triển khai đúng tiến độ, đồng bộ, nghiêm túc và đã kết thúc với kết quả khá tốt nhờ sự chỉ đạo đúng đắn, sâu sát của Ban chỉ đạo Thực tập sư phạm cấp thành phố, cấp quận, cấp trường. Đặc biệt là sự tận tâm, trách nhiệm của các giáo viên phổ thông, mầm non trực tiếp hướng dẫn sinh viên; các giảng viên Trưởng đoàn thực tập sát sao với đoàn cũng như sự cố gắng, nỗ lực của sinh viên năm thứ 2, thứ 3 trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị của trường Đại học Thủ đô Hà Nội khá chu đáo, Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Sở Giáo dục và Hà Nội, các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Năm học này, các sinh viên năm thứ 2 và năm thứ 3 trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã được thực tập tại 7 quận với 59 trường phổ thông, mầm non với 2 mô hình thực tập, gồm thực tập sư phạm thường xuyên và thực tập tập trung. Với mô hình thực tập thường xuyên, trường đã tổ chức 21 đoàn cho sinh viên năm thứ 3 hệ cao đẳng chính quy và 21 sinh viên đại học đăng kí học vượt xin xét tốt nghiệp sớm trước một năm đi thực tập. Thời gian thực tập từ 07/01/2018 đến 27/4/2019. Mô hình thực tập tập trung có 38 đoàn, thời gian từ 18/02/2018 đến 27/4/2019.
Kết quả, đã có 964 sinh viên năm thứ 2 hoàn thành thực tập sư phạm thường xuyên, trong đó 93,3% sinh viên được xếp loại giỏi, 3,8% xếp loại khá, còn lại (21 sinh viên) không có kết quả thực tập do không đi thực tập hoặc không đủ điều kiện. Sinh viên năm thứ 3 đi thực tập cũng đạt kết quả cao, với 96,8% đạt loại giỏi.
Trong thời gian thực tập sư phạm, đa số sinh viên có ý thức tổ chức kỉ luật tốt, thực hiện nghiêm túc các quy định của đoàn, nội quy, quy chế làm việc ở các trường thực tập; tác phong đúng mực; tạo mối quan hệ tốt với nhà trường. Hiện tượng sinh viên đi muộn, về sớm, nghỉ không có lí do ít xảy ra tại các trường sinh viên đến thực tập. Phần lớn sinh viên có tinh thần khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu rèn luyện về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; khiêm tốn, học hỏi thực hiện tốt các hoạt động ở trường thực tập. 100% sinh viên đều được dự tiết dạy mẫu, được tham gia trao đổi định hướng cho các tiết dạy của mình và Ban Giám hiệu các trường thống nhất cách đánh giá trong toàn đoàn. Các tiết dạy được sinh viên chuẩn bị chu đáo, sử dụng nhiều đồ dùng dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin, do đó tạo hứng thú học tập cho học sinh, giúp các em dễ dàng hiểu nội dung bài học trên lớp.
Đặc biệt, hình thức thực tập thường xuyên đã giúp sinh viên sư phạm vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, tự tin hơn thực hiện nhiệm vụ của một giáo viên khi mới ra trường. Mô hình này cần được áp dụng rộng rãi trong các trường sư phạm để rèn luyện nghiệp vụ cho sinh viên. Tuy nhiên để thực hiện được tốt và hiệu quả cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa trường sư phạm, trường phổ thông, mầm non, các giáo viên hướng dẫn, giảng viên trưởng đoàn, sinh viên, học sinh,… đặc biệt là sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo thực tập sư phạm các cấp.
TS. Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo Thực tập sư phạm Thành phố Hà Nội
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo thực tập và các cơ sở tiếp nhận
Theo TS. Đỗ Hồng Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo Thực tập sư phạm Thành phố Hà Nội, công tác thực tập có ý nghĩa lớn trong hoạt động đào tạo, đặc biệt là việc thực tập thường xuyên sẽ rút ngắn được thời gian học tập của sinh viên và giúp các em ra trường sớm. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự Hội nghị tổng kết, trường Đại học Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để xây dựng chương trình và kế hoạch đào tạo phù hợp với hoạt động thực tập. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tăng cường đào tạo kĩ năng, nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao ý thức tổ chức, siết chặt kỉ luật với sinh viên. Đối với các Ban chỉ đạo thực tập sư phạm (thành phố, quận), Nhà trường sẽ phối hợp chặt chẽ, cung cấp đầy đủ thông tin, đảm bảo sự liên hệ xuyên suốt từ khi bắt đầu tới khi kết thúc hoạt động thực tập. TS. Đỗ Hồng Cường cũng bày tỏ mong muốn các Ban chỉ đạo thực tập sư phạm, các trường tiếp tục đồng hành cùng trường Đại học Thủ đô Hà Nội để các em sinh viên trưởng thành hơn, qua đó giúp nhà trường đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngọc Hinh - Ngọc Vinh