Giới thiệu Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế
1. Thông tin chung
- Văn phòng khoa: Tầng 1, nhà F, Cơ sở 3 (số 6, phố Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội)
- Điện thoại: (84.4) 38341117
- Email: ihise@hnmu.edu.vn
- Viện trưởng: TS. Lê Thị Thu Hương
Fanpage các ngành:
+ Việt Nam học: https://www.facebook.com/bmvhnt
ĐỘI NGŨ VIỆN HÀ NỘI HỌC VÀ ĐÀO TẠO QUỐC TẾ
TS. Lê Thị Thu Hương Viện trưởng | TS. Trịnh Ngọc Ánh Phó Viện trưởng | TS. Bùi Văn tuấn Phó viện trưởng |
2. Chức năng nhiệm vụ
Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế có chức năng, nhiệm vụ:
- Là đơn vị chuyên môn thuộc Trường có chức năng nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn các chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hóa và du lịch.
- Phân công và quản lý giảng dạy các môn học mà các giảng viên của Khoa đảm nhận cho các hệ đào tạo khác của Trường; liên kết, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục ngoài Trường về lĩnh vực được phân công.
- Khoa thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Luật Giáo dục Đại học và Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.
3. Cơ cấu tổ chức bộ máy
- Viện Hà Nội học và Đào tạo quốc tế hiện nay có Ban chủ nhiệm Khoa do TS. Lê Thị Thu Hương làm Viện trưởng; TS. Trịnh Ngọc Ánh - Phó viện trưởng; TS. Bùi Văn Tuấn - Phó viện trưởng.
4 tổ bộ môn: Bộ môn Quản trị khách sạn; Bộ môn Văn hoá; Bộ môn Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
1 trung tâm: Trung tâm Hà Nội học.
Về hợp tác đào tạo
Khoa hiện nay đã ký kết với hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm hợp tác trong việc chỉnh sửa chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tiễn, cho sinh viên đến các doanh nghiệp thực tế, thực tập.
Khoa còn mới các chuyên gia, các nhà khoa học, Trưởng các bộ phận trong các khách sạn đến giảng dạy cho sinh viên.
Khoa còn hợp tác với Khoa Du lịch - Đại học Chihlee - Đài Loan và khách sạn tại Nhật Bản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thực tập tại nước ngoài của sinh viên trong Khoa.
4. Giới thiệu các ngành đào tạo của Khoa
- Ngành Việt Nam học ra đời từ năm 2007 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (nay là Đại học Thủ đô Hà Nội), là ngành đầu tiên đào tạo khi Khoa Văn hóa – Du lịch được thành lập. Việt Nam học là ngành khoa học liên ngành, nghiên cứu đất nước và con người Việt Nam từ những thành tố văn hóa, lịch sử, địa lí, ngôn ngữ, văn học... Việt Nam học nghiên cứu toàn diện và đa dạng các khía cạnh của một quốc gia trên góc nhìn khu vực học. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc trong lĩnh vực truyền thông, báo chí, văn hóa và du lịch. Năm 2021, Khoa có 04 lớp Việt Nam học với hơn 200 sinh viên.
- Ngành quản trị Khách sạn:
Với định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo năng lực làm việc trong môi trường đa văn hóa, sinh viên chuyên ngành Quản trị khách sạn được trang bị những kiến thức chuyên sâu về quản lý, tổ chức các hoạt động khách sạn như: lập kế hoạch; phân công công việc, nhiệm vụ, chỉ đạo và điều phối các bộ phận; khởi xướng các kế hoạch kinh doanh và chiến lược phát triển thị trường; kiểm soát ngân sách và các chi phí hoạt động...
Để thích ứng với khối ngành dịch vụ tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng, sinh viên chuyên ngành này còn được trang bị các kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, hiểu biết về các nền văn hóa trên thế giới và Việt Nam, các kiến thức về tâm lý học, rèn luyện năng lực ngoại ngữ và kỹ năng tin học để quản trị các phần mềm quản lí thông tin khách sạn. Không chỉ bó buộc với những môn học đại cương chung chung, chương trình giảng dạy được thiết kế đan xen lý thuyết với thực tế, môi trường đào tạo chuyên nghiệp, cập nhật những xu hướng mới trong ngành.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị khách sạn có thể đảm nhận tốt các vị trí công việc như: quản lý, giám sát, điều hành các bộ phận của khách sạn như buồng- bar- bàn- bếp- lễ tân, tổ chức sự kiện, kinh doanh dịch vụ bổ sung, quản trị nhân sự,... trong hệ thống các khách sạn trong nước và quốc tế từ 3 đến 5 sao hay các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp hoặc bất kỳ loại hình kinh doanh lưu trú nào khác.
- Ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành
Nằm trong top 10 ngành học “hot” nhất hiện nay với một mức lương đáng mơ ước và môi trường làm việc năng động, chuyên nghiệp trên toàn cầu, ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các bạn trẻ Việt Nam. Chương trình được thiết kế nhằm đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch của Việt Nam, cụ thể là đào tạo các nhà quản lý, giám đốc, điều hành các doanh nghiệp lữ hành, các công ty tổ chức sự kiện, truyền thông về du lịch; chuyên viên tại các sở- ban- ngành về du lịch; nhà nghiên cứu, giảng viên làm việc tại viện nghiên cứu và các cơ sở đào tạo du lịch...
Sinh viên học ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành sẽ có nhiều cơ hội để khám phá các học phần địa lý, văn hóa, lịch sử, tâm lý và tập quán của du khách trong nước và quốc tế; được đào tạo các kỹ năng nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch, thiết kế tour, quản lý và điều hành tour, thiết kế và quản trị sự kiện du lịch. Ngoài các kiến thức nên tảng, thực tiễn về chuyên ngành sinh viên còn được trang bị kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý thời gian…
Không chỉ thú vị khi học tập, ngành còn có nhiều triển vọng sau khi ra trường. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, mỗi năm ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên học chuyên ngành này ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm. Trong đó, mới có hơn 12% là sinh viên có trình độ cao đẳng và đại học trở lên. Chính nhu cầu cao về nhân lực đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú và đa dạng cho các cử nhân chuyên ngành Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành với mức lương cùng với chế độ ưu đãi tốt.