Diễn đàn Văn hóa và Giáo dục mùa thu lần thứ nhất: “70 năm Văn hóa và Giáo dục Thủ đô - Hành trình kiến tạo và phát triển”

Hội thảo diễn ra với một phiên toàn thể vào buổi sáng và ba phiên chuyên đề vào buổi chiều.

Sáng 8/11, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “70 năm Văn hóa và Giáo dục Thủ đô - Hành trình kiến tạo và phát triển”. Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Văn hóa và Giáo dục mùa thu lần thứ nhất, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, lãnh đạo, và đại diện các cơ quan ban ngành. 

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Dự Hội thảo, có GS.TS. Phùng Hữu Phú, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường cùng các cán bộ, giảng viên, sinh viên trong toàn trường. 

TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ, trên cơ sở đề xuất của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định chọn “70 năm văn hóa, giáo dục Thủ đô - Hành trình kiến tạo và phát triển” làm chủ đề chính cho Hội thảo cấp quốc gia. Đây không chỉ là sự kiện khoa học đơn thuần mà còn là một hành trình trở lại, một cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa giữa những người yêu văn hóa, hết lòng vì giáo dục và mong muốn góp sức vào sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước. 

Theo TS. Đỗ Hồng Cường, để có những góc nhìn đa chiều về sự phát triển văn hóa và giáo dục của Thủ đô trong chặng đường 70 năm qua, Hội thảo không chỉ điểm lại những thành tựu đạt được mà còn chỉ ra những thách thức cần vượt qua trong bối cảnh hiện tại. Những ý kiến đóng góp trong Hội thảo là nền tảng để xây dựng các chính sách cụ thể, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay của Thủ đô.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 91 báo cáo khoa học của hơn 100 tác giả gửi tham dự. Các tham luận tập trung vào những vấn đề cốt lõi của văn hóa và giáo dục Hà Nội với tư cách là Thủ đô, thành phố trực thuộc trung ương đầu tiên, quan trọng nhất và đặc biệt nhất của cả nước.

Hội thảo diễn ra với một phiên toàn thể vào buổi sáng và ba phiên chuyên đề vào buổi chiều. 

GS.TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã có báo cáo tổng quát về chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển Thủ đô Hà Nội

Chủ trì phiên toàn thể diễn ra vào buổi sáng, GS.TS. Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đã có báo cáo tổng quát về chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển Thủ đô Hà Nội, trong đó có định hướng phát triển đối với Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Cụ thể, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội hiện nay là trường đại học duy nhất của Thủ đô, trực thuộc UBND thành phố Hà Nội. Theo GS.TS. Phùng Hữu Phú, với bề dày truyền thống 65 năm, Trường phải biết phát huy lợi thế, phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo bậc đại học, sau đại học mang tính đa ngành và theo định hướng ứng dụng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao; là cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô và đất nước.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, đã chia sẻ các giải pháp sáng tạo cho ngành công nghiệp văn hóa tại Hà Nội

Các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục đổi mới giáo dục và văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số. GS.TS. Nguyễn Quý Thanh từ Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong hành trình phát triển giáo dục Thủ đô. Trong khi đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, đã chia sẻ các giải pháp sáng tạo cho ngành công nghiệp văn hóa tại Hà Nội.

Một điểm nhấn khác của hội thảo là việc Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã trình bày các định hướng phát triển mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tạo dựng môi trường học tập hiện đại cho thế hệ trẻ. Các tham luận đều tập trung vào việc tận dụng công nghệ thông tin để lan tỏa giá trị văn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường trình bày các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tạo dựng môi trường học tập hiện đại cho thế hệ trẻ

Buổi chiều, Hội thảo chia thành ba tiểu ban chuyên đề, thảo luận các vấn đề: Tiểu ban văn hóa, nhấn mạnh vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Hà Nội, từ đó định hướng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tiểu ban giáo dục, với các tham luận đề xuất giải pháp cho giáo dục sáng tạo, xây dựng mô hình trường học thông minh, và phát triển mô hình trường học liên cấp chất lượng cao. Tiểu ban lịch sử xây dựng và phát triển Thủ đô, nhấn mạnh tới vai trò của giáo dục đại học trong việc thúc đẩy hiện đại hóa Hà Nội.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm 

Hội thảo đã diễn ra thành công với nhiều ý tưởng và giải pháp mang tính đột phá. Các ý kiến đóng góp từ Hội thảo sẽ là nền tảng cho việc xây dựng các chính sách cụ thể, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững văn hóa và giáo dục của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới. Đồng thời, tin tưởng với những kết quả đạt được cũng sẽ tạo tiền đề cho các hội thảo khoa học tiếp theo, tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 

 

 

08/11/2024 16:08:24 | Số lần xem: 76
6 phút

Tin liên quan