UBND Thành phố Hà Nội ban hành quyết định về việc nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4909/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo Thủ đô giai đoạn 2021-2025. 

UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4909/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Các cơ sở đào tạo thuộc phạm vi của đề án này gồm: Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây.

Đề án nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30-7-2021 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Theo đó, đề án xác định rõ mục tiêu: 100% giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đạt yêu cầu phẩm chất, trình độ đào tạo, năng lực thực tế và được bồi dưỡng chuyên môn hằng năm; 30-35% đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; 15% của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây đạt trình độ tiến sĩ vào năm 2025.

Cùng với đó, xây dựng 13 chương trình đào tạo trình độ đại học, 8 thạc sĩ, 1 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, 4 chương trình đào tạo chất lượng cao được xây dựng và mở mã ngành. Giữ vững quy mô tuyển sinh đối với hai cơ sở đào tạo đối với các ngành hiện có và tăng quy mô tuyển sinh hằng năm 3-5%, đồng thời, mở rộng đào tạo ngành 2, đào tạo song ngành…

Đến năm 2025, các cơ sở đào tạo của Thủ đô gồm: Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, đề án cũng nêu rõ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy đã được UBND thành phố phê duyệt đối với 2 cơ sở đào tạo trên. Phát triển đội ngũ giảng viên bảo đảm đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu trình độ đào tạo, đặc biệt tăng cường đội ngũ giảng viên có trình độ cao phục vụ tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo.

Đáng chú ý là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giảng viên và trong sinh viên; tăng cường hợp tác phát triển với các đơn vị, cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, giáo trình, tài liệu, học liệu phục vụ hiệu quả cho tổ chức các chương trình đào tạo. Xây dựng và ban hành quy định về kiểm tra, kiểm soát nội bộ về tài chính; kế hoạch thực hành, tiết kiệm chống lãng phí và bảo đảm tự chủ kinh phí chi thường xuyên theo lộ trình.

Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 4910/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với kinh phí 16 tỷ đồng.

Theo đó, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án, xây dựng chương trình bồi dưỡng; tổ chức đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho các đối tượng tham gia các khóa bồi dưỡng.

Đây là cơ sở để các trường phổ thông phân công giáo viên giảng dạy môn giáo dục địa phương Thành phố Hà Nội theo chương trình mới. Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Giáo dục địa phương là môn học bắt buộc. Từ năm học 2020-2021, Hà Nội đưa môn này vào dạy thí điểm, sau đó dạy chính thức cho học sinh phổ thông, tuy nhiên đến nay Hà Nội chưa có đội ngũ giáo viên chuyên biệt để dạy môn này. 

 

19/12/2022 10:04:13 | Số lần xem: 23
4 phút