Đào tạo theo tinh thần giáo dục khai phóng tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát triển chương trình đào tạo trình độ đại học tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội theo tinh thần giáo dục khai phóng” qua hình thức trực tuyến

Thực hiện kế hoạch Đổi mới quản lý và tổ chức đào tạo tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đáp ứng yêu cầu của đổi mới giáo dục đại học, tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình, sáng ngày 15 tháng 5 năm 2020, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Phát triển chương trình đào tạo trình độ đại học tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội theo tinh thần giáo dục khai phóng” qua hình thức trực tuyến. Tham dự Hội thảo có đại diện Ban Giám hiệu Nhà trường, các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trong trường.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho rằng, giáo dục đại học mang đến nhiều thách thức và yêu cầu mới trong vấn đề cải cách chương trình đào tạo nhằm mang đến nguồn nhân lực chất lượng cao, sở hữu kỹ năng linh hoạt nhằm đáp ứng những thay đổi nhanh của nền công nghiệp 4.0. Thực tế cho thấy, giáo dục đại học ở Việt Nam dù đã cho thấy sự chuyển biến tích cực trong phương thức đào tạo, tổ chức dạy và học, song vẫn còn tồn tại những bất cập nhất định trong chương trình đào tạo, định hướng giáo dục nghề nghiệp,.. khiến sinh viên Việt Nam sau khi ra trường gặp khó khăn khi tiếp cận với những môi trường công việc khác nhau. Điều đó đòi hỏi sự kết hợp và vận dụng tri thức lẫn kỹ năng một cách linh hoạt trong giáo dục hiện nay. Giáo dục khai phóng với định hướng đào tạo nền tảng tri thứ cơ bản trên nhiều lĩnh vực khác nhau song song với đào tạo các kiến thức chuyên ngành nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương và những kỹ năng căn bản nhưng vô cùng thiết yếu cho bối cảnh việc làm hiện nay chính là một giải pháp mới về cải cách giáo dục đang nhận được sự quan tâm của nhiều trường đại học tại Việt Nam.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến

PGS. TS. Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã chỉ ra những yêu cầu cần thực hiện việc đào tạo hai giai đoạn theo tinh thần giáo dục khai phóng tại nhà trường. Thứ nhất, đây là xu hướng trở lại với những giá trị cốt lõi của nhân loại, đề cao tính nhân văn, tinh thần dân chủ. Nó là xu hướng hiện thực trong cải cách, canh tân giáo dục của nhiều nước, nhất là trong bối cảnh đạo đức xã hội, giá trị văn hóa dân tộc ở nhiều quốc gia được cảnh bảo xuống cấp nghiêm trọng. Thứ hai, vấn đề tự chủ trong giáo dục, nhất là trong giáo dục đại học khuyến khích những cách làm sáng tạo hướng đến lợi ích của người học nhiều hơn, thực sự coi người học là mục đích của giáo dục, đào tạo. Thứ ba, mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục và cộng đồng ngày càng được gia tăng; thị trường lao động và thế giới nghề nghiệp ngày càng biến động dẫn đến những thay đổi trong tuyển chọn nhân lực (chú trọng năng lực thực tiễn) và đòi hỏi nhân lực phải có năng lực thay đổi, di chuyển, thích ứng nghề nhanh và cao hơn. Thứ tư, hệ quả tất yếu của tự chủ có thể được xem xét ở nhiều phương diện. Về phương diện tài chính, cần phải giải quyết được những bài toán kinh tế trong giáo dục. Theo đó, hầu hết các trường đại học đều chú trọng nâng cao hiệu quả đầu tư cho các hoạt động của đơn vị mình. Nâng cao hiệu suất đào tạo nhờ đó nâng hiệu quả đầu tư đào tạo được quan tâm hàng đầu. Thứ năm, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là trường đại học non trẻ trong quan hệ so sánh với phần lớn các trường đại học có trên địa bàn thành phố Hà Nội. Để đẩy nhanh tiến độ hội nhập với giáo dục đại học của cả nước, Nhà trường cần phải tạo được sự khác biệt trong sản phẩm và hoạt động của mình, trong đó khác biệt về sản phẩm là quan trọng. Sự khác biệt trong sản phẩm lại được quyết định bởi sự khác biệt về cách thức tạo ra sản phẩm. Lôgic này giúp trường lựa chọn được câu trả lời về đào tạo theo tinh thần giáo dục khai phóng của nhà trường (bản chất và mục tiêu của đào tạo hai giai đoạn mà chúng ta đề cập là đào tạo đại cương, là giáo dục đại cương mang đậm hơi thở của giáo dục khai phóng).

Để thực hiện được xu hướng đào tạo này, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội xác định phải có chiến lược khéo léo, linh hoạt, mềm dẻo, không cầu toàn và dám vượt qua khó khăn, thử thách, rào cản. Nhà trường sẽ dựa trên các nhóm giải pháp cơ bản: Về điểm tựa pháp lý, cần xây dựng đề án: “Phát triển chương trình đào tạo trình độ đại học theo định hướng giáo dục khai phóng tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội” ; điểm tựa kĩ thuật cần phát triển chương trình đào tạo trình độ đại học theo định hướng giáo dục khai phóng tại trường theo khung lí thuyết: Giáo dục cơ bản, hướng nghiệp và giáo dục chuyên nghiệp/nghề nghiệp. Giai đoạn giáo dục cơ bản, hướng nghiệp với thời lượng không quá 1,5 năm đào tạo nhằm thực hiện mục tiêu giúp sinh viên có kiến thức nền rộng, kiến thực nhóm ngành hữu ích, phát triển giá trị sống, giá trị nghề nghiệp. năng lực sáng tao, thích ứng cao, có nhiều điều kiện thuận lợi để học tập chuyên sâu, hình thành, phát triển các kĩ năng bậc cao.Giai đoạn giáo dục chuyên nghiệp/nghề nghiệp với thời lượng không quá 2,5 năm đào tạo nhằm mục tiêu hình thành năng lực nghề nghiệp, phát triển các kĩ năng bậc cao đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và nhà tuyển dụng.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận và chia sẻ làm sâu sắc thêm về chủ đề này. Ban tổ chức đã nhận được trên 30 bài tham luận và lựa chọn 23 bài tham luận có chất lượng tốt, đúng chủ đề, biên tập thành Kỷ yếu của Hội thảo.

Sự thành công của Hội thảo đã góp phần xác lập cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc đổi mới chương trình đào tạo của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội theo hướng trang bị cho sinh viên những nguyên lý chung và kiến thức cơ bản giúp sinh viên học tốt các kiến thức nghề nghiệp, có năng lực cập nhật và nâng cao kiến thức nghề nghiệp suốt đời; khi cần thiết có thể đổi hướng nghề nghiệp cho phù hợp với các biến động của thị trường lao động.

 Ngọc Hinh

 

15/05/2020 10:31:11 | Số lần xem: 1
6 phút