Thông tin tuyển sinh khoa Khoa học xã hội và nhân văn
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ ĐÔ HÀ NỘI
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
GIỚI THIỆU TUYỂN SINH NĂM 2020 – 2021
1. Giới thiệu
Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn là đơn vị chuyên môn trực thuộc Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, có chức năng tổ chức các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, sinh viên chuyên ngành khoa học Xã hội và nhân văn; khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Tâm lý học, Công tác xã hội, Giáo dục đặc biệt, Quản lý giáo dục và pháp luật... Trong thời gian sắp tới, Khoa sẽ đào tạo thêm các mã ngành: Tâm lý học hệ Đại học chính quy, Thạc sĩ ngành Văn học Việt Nam.
Về đội ngũ, hiện khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn có 45 giảng viên, trong đó gồm 4 Phó Giáo sư, 17 Tiến sĩ, 05 NCS, 18 Thạc sĩ và 01 Cử nhân.
Về cơ cấu, hiện khoa gồm 06 tổ bộ môn (Ngôn ngữ và Văn học; Khoa học Lịch sử; Lý luận Chính trị; Tâm lý học - Công tác xã hội; Quản lý giáo dục - Giáo dục đặc biệt; Luật) và 02 Trung tâm (Tham vấn học đường và can thiệp sớm; Tư vấn và thực hành nghề Luật).
2. Các ngành đào tạo, tuyển sinh
Năm học 2020 – 2021, hai tổ bộ môn Ngữ văn và Văn học, Khoa học Lịch sử tiếp tục tham gia đào tạo các ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Ngữ văn và chuẩn bị đào tạo ngành Văn học Việt Nam trình độ Thạc sĩ; Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn tuyển sinh, đào tạo các ngành đại học sau đây:
* Ngành Quản lý giáo dục:
Đào tạo viên chức quản lý giáo dục có năng lực hoạt động hành chính, quản lý đào tạo, tổ chức quản lý các hoạt động giáo dục… góp phần tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng nền giáo dục chuyên nghiệp hiện đại. Ngành Quản lý giáo dục đã tuyển sinh, đào tạo trình độ thạc sĩ từ năm 2018 và chuẩn bị đào tạo ngành Giáo dục và Quản lý xã hội trình độ thạc sĩ.
Vị trí việc làm: Chuyên gia giáo dục, các nhà quản lý, giảng viên và chuyên viên; công tác tư vấn, tham vấn học đường, làm trợ lý hoặc trực tiếp quản lý chuyên môn, hành chính, nhân sự tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, THPT, CĐ, ĐH… công lập và ngoài công lập.
* Ngành Công tác Xã hội:
Đào tạo cử nhân ngành Công tác xã hội có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, nắm vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành nghề Công tác xã hội, tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa – xã hội; kĩ năng thuyết trình, vận động quần chúng; tổ chức các hoạt động phong trào… góp phần giữ vững kỉ cương, giảm trừ tệ nạn, hướng tới sự tiến bộ của xã hội và con người.
Vị trí việc làm: Giảng dạy công tác xã hội tại các trường CĐ, ĐH; làm cán bộ nghiên cứu tại các Viện thuộc khối ngành khoa học xã hội, các doanh nghiệp xã hội, các Tổ chức Phi Chính phủ trong và ngoài nước; làm nhân viên công tác xã hội, tư vấn viên, cán bộ trị liệu, cán bộ chính sách, cán bộ văn hóa tại các quận, phường, xã, trường học, bệnh viện ...
* Ngành Giáo dục đặc biệt:
Cung cấp các kiến thức lĩnh vực Giáo dục đặc biệt phù hợp chuyên môn và thực tiễn xã hội; rèn luyện kỹ năng thực hành, kỹ năng chẩn đoán đánh giá, tư vấn phụ huynh, chăm sóc giáo dục, can thiệp và trị liệu cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ, khuyết tật trí tuệ và khuyết tật học tập. Trong quá trình học, sinh viên được học hỏi nhiều chuyên gia, được thực hành tại các cơ sở và tại Trung tâm tham vấn học đường và Can thiệp sớm của trường. Sinh viên ngành Giáo dục đặc biệt được miễn học phí toàn khóa.
Vị trí việc làm: Nhu cầu nguồn lực tốt nghiệp đại học ngành Giáo dục đặc biệt hiện rất lớn. Sinh viên có thể trở thành giáo viên dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt tại các bệnh viện, các trường chuyên biệt, hòa nhập ở bậc học mầm non, tiểu học, các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Trung tâm tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế, can thiệp trẻ tại gia đình hoặc làm giảng viên tại các trường Đại học, Cao đẳng.
* Ngành Luật:
Cung cấp các kiến thức cơ bản của chương trình Cử nhân Luật; giúp sinh viên nắm vững hệ thống luật pháp của Nhà nước; tổ chức của ngành Tư pháp và hoạt động của các đơn vị hành pháp, cơ quan thực thi pháp luật. Trong quá trình học tập, sinh viên ngành Luật được thực tập tại chỗ tại Trung tâm tư vấn và thực hành nghề Luật của trường; được trải nghiệm, thực hành các kĩ năng thông qua các hoạt động tư vấn và xét xử tại các địa phương…
Vị trí việc làm: Sinh viên có thể làm việc tại các cơ quan tư pháp, hành pháp từ trung ương đến địa phương; làm việc trong các doanh nghiệp, đoàn thể, học đường trong vai trò là cán bộ pháp chế; làm luật sư; công chứng viên; nhân viên tư vấn pháp luật độc lập hoặc tham gia giảng dạy kiến thức pháp luật trong các nhà trường.
* Ngành Chính trị học:
Trang bị hệ thống tri thức chính trị - xã hội cơ bản, giúp sinh viên am hiểu tình hình chính trị trong nước và quốc tế; có tư duy chính trị nhạy bén, độc lập, sáng tạo, năng lực thuyết trình, bình luận; có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công dân tốt...
Vị trí việc làm: Sinh viên có thể làm chuyên viên trong các tổ chức, đoàn thể thuộc hệ thống chính trị; giảng viên, giáo viên trong các nhà trường; phóng viên, biên tập viên, bình luận thời sự chính trịở các báo, đài trung ương và địa phương… Sinh viên ngành Chính trị học được miễn học phí toàn khóa học theo chính sách ưu đãi riêng của trường.