Khai mạc Hội nghị tập huấn hình thành phát triển nhóm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh

Sáng 12/1, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức khai mạc Hội nghị tập huấn hình thành phát triển nhóm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học liên ngành.

 

Sáng 12/1, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức khai mạc Hội nghị tập huấn hình thành phát triển nhóm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học liên ngành.

Tham dự Hội nghị có GS.TS. Trần Trung, Giám đốc Học viên Dân tộc, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Khoa học giáo dục; PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Trường Đại học Thủy lợi; GS.TS. Cung Thế Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; PGS.TS. Dương Minh Lam, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; TS. Nguyễn Tô Lan, Viện Hán Nôm. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự Hội nghị có TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; lãnh đạo các đơn vị, các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên trong trường.

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội gửi lời chào mừng và cảm ơn các nhà khoa học đã tham dự Hội nghị tập huấn và khẳng định, việc hình thành nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học đã được bắt đầu từ nhiều năm trước đây ở các nước phát triển. Thực tiễn hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh cho thấy tính hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) thông qua cách đầu tư và huy động nguồn lực tập trung vào đúng đối tượng. Thúc đẩy phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ các nước trên thế giới.

PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc các NNC thường được lập dưới dạng 1 tổ chức phòng thí nghiệm (PTN - Lab) do 1 giáo sư đứng đầu. Dưới GS là các PGS, TS trẻ, NCS, HVCH và sinh viên.

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền, ở Việt Nam, trong nhiều năm qua, chủ trương phát triển nhóm nghiên cứu mạnh nhằm tăng cường tiềm lực và thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN đã được đề cập tại nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước như Luật Giáo dục Đại học, Luật Khoa học và Công nghệ, Nghị định 109/2022/NĐ-CP. Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, nhóm nghiên cứu mạnh là một trong những cách để từ đó hình thành nhà khoa học đầu ngành. Nhóm nghiên cứu mạnh là nòng cốt việc xây dựng và thực hiện các mũi nhọn nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm nghiên cứu cụ thể, mang tính trường phái. Xây dựng và phát triển được các nhóm nghiên cứu mạnh là chìa khoá quan trong để nâng cao xếp hạng của trường đại học. Để làm được điều này cần phải đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học tốt, có tâm huyết và kinh nghiệm trong nghiên cứu và đào tạo.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội với 65 năm bề dày truyền thống đào tạo giáo viên và 10 năm phát triển đào tạo đa ngành theo định hướng ứng dụng đã cung ứng nguồn nhân lực chất lượng tốt phục vụ phát triển kinh tế xã hội Thủ đô và đất nước. Với xuất phát điểm hình thành trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, Trường còn nhiều thách thức về nguồn lực để hình thành và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh. Trong đó, khó khăn nhất là đội ngũ và cơ sở vật chất.

Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền chia sẻ, hiện nay, Trường có 460 cán bộ giảng viên trong đó 8 PGS, 80 TS, 292 ThS. Số lượng cán bộ giảng viên có trình độ TS trở lên chiếm khoảng 20%, mỗi năm cán bộ giảng viên của trường có khoảng 20 công bố quốc tế thuộc danh mục SCIE, ISI và Scopus. Về cơ sở vật chất, Trường có 4 cơ sở nằm ở 4 phía của Thủ đô bao gồm cơ sở 1 ở Cầu Giấy, Cơ sở 2 ở Sóc Sơn, Cơ sở 3 ở Ba Đình, Cơ sở 4 ở Thường Tín. Các phòng thực hành thí nghiệm hiện nay phần lớn nằm tại cơ sở 2 tại Sóc Sơn, các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học phần lớn được tổ chức tại cơ sở 1 tại Cầu Giấy. Việc phân tán nguồn lực ở các địa điểm khác nhau ảnh hưởng tới việc tối ưu hoá sử dụng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Không chỉ phân tán, cơ sở vật chất còn không đủ phục vụ nghiên cứu thực nghiệm của một số ngành trọng điểm theo nhu cầu xã hội. Mặc dù có nhiều chính sách đầu tư quan tâm phát triển KHCN, tuy nhiên cho đến nay, sau 10 năm lên đại học, Trường vẫn chưa xây dựng và tổ chức hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh.

Nhận diện được yêu cầu cấp thiết của việc xây dựng nhóm nghiên cứu trọng điểm, tiến tới hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, Trường đã xây dựng quy định nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu trọng điểm và hiện đang triển khai hồ sơ đăng ký. Đây có thể là hoạt động còn mới mẻ với các cán bộ, giảng viên trong Nhà trường.

Hội nghị “Hình thành phát triển nhóm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học liên ngành”nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh của các trường bạn chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu thảo luận qua đó tìm ra những giải pháp thiết thực để hình thành, phát nghiển nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, đồng thời cũng triển khai, hướng dẫn các cơ chế, chính sách, kế hoạch của Nhà trường đến các cán bộ, giảng viên. Với tinh thần chia sẻ cởi mở trên quan điểm khoa học, cùng hướng tới sự phát triển chung, thịnh vượng của Nhà trường, tiếp tục “Phát huy truyền thống – Kiến tạo tương lai”, viết tiếp những trang sử vàng trong lịch sử phát triển 65 năm của Nhà trường, Hội nghị là một trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống của Nhà trường, mang lại tinh thần nghiên cứu KHCN cho toàn thể cán bộ, giảng viên trong trường.

GS.TS. Trần Trung, Giám đốc Học viên Dân tộc, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Khoa học giáo dục

PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Trường Đại học Thủy lợi

Tại các phiên của Hội nghị, ban tổ chức sẽ truyền tải các nội dung chuyên đề: Tổng quan về nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu mạnh; các hướng nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn; kinh nghiệm công bố quốc tế (GS.TS. Trần Trung, Giám đốc Học viên Dân tộc, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Khoa học giáo dục); Kinh nghiệm hoạt động nhóm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh tại Trường Đại học Thủy lợi (PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Trường Đại học Thủy lợi); Chính sách phát triển các nhóm nghiên cứu, nhóm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học, áp dụng tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (PGS.TS. Dương Minh Lam, Trưởng phòng Khoa học công nghệ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội); Kinh nghiệm hoạt động nhóm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (GS.TS. Cung Thế Anh, Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh Trường Đại học Sư phạm Hà); Thực hiện đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ hợp tác song phương: kinh nghiệm và bài học (PGS.TS. Nguyễn Xuân Hải, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội); Xây dựng kế hoạch, triển khai nhóm nghiên cứu mạnh (PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Sơn – Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và TS. Nguyễn Thị Hương Quỳnh – Bộ Giáo dục và Đào tạo); Một số biện pháp xây dựng, phát triển nhóm nghiên cứu liên ngành (TS. Nguyễn Tô Lan – Viện Hán Nôm); Một số hướng nghiên cứu giáo dục khoa học hiện đại (PGS.TS. Nguyễn Xuân Hải, Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội).

 Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

12/01/2024 15:15:22 | Số lần xem: 17
7 phút

Tin liên quan