Hơn 3.000 giáo viên Hà Nội trải nghiệm thực tế để giảng dạy môn Giáo dục địa phương

Đây là một phần nằm trong chương trình bồi dưỡng Hà Nội học

Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội Đỗ Hồng Cường cùng Ban tổ chức dâng hương tại Hoàng Thành Thăng Long

Ngày 29/9, hơn 3.000 giáo viên Hà Nội đã tham gia trải nghiệm thực tế chuyên môn tại 2 di tích văn hóa thế giới Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hoàng thành Thăng Long. Đây là một phần nằm trong chương trình bồi dưỡng Hà Nội học của Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban chuyên môn đề án Hà Nội học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội triển khai.

Việc Ban tổ chức chọn 2 di sản văn hóa thế giới được Unesco công nhận là Văn Miếu Quốc Tử Giám và Hoàng thành Thăng Long cho các thầy cô giáo được phân công giảng dạy bộ môn Giáo dục địa phương của Hà Nội, đang tham gia tập huấn từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2024 nhằm giúp các thầy cô có dịp học hỏi, trao đổi thêm kiến thức và kinh nghiệm, kỹ năng để triển khai dạy môn giáo dục địa phương trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 một cách đổi mới hơn và hiệu quả hơn.

Các thầy cô giáo tham gia trải nghiệm tại Hoàng Thành Thăng Long

3.000 thầy cô tham gia chương trình trải nghiệm thực tế lần này là những người trực tiếp giảng dạy cho học sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Do vậy, ngoài các buổi tập huấn lý thuyết với chuyên gia về nội dung bộ môn Giáo dục địa phương, những giáo viên tham gia Đề án đã được tổ chức tiếp cận với các địa điểm di sản của Thủ đô, xem phim tư liệu về di sản tại Hoàng thành Thăng Long, tham dự Lễ dâng hương tại Văn Miếu Quốc tử Giám… giúp các thầy cô tiếp thu được những kiến thức sâu sắc hơn về các di sản văn hóa của người Hà Nội.

Dâng hương tại Văn Miếu Quốc tử giám

Kết hợp lý thuyết với trải nghiệm thực tế, Đề án này giúp các nhà giáo có những cái nhìn sâu hơn về đời sống văn hóa Thủ đô, đặc biệt trong xu thế hiện tại, từ đó có thể truyền tải một cách gần gũi nhất tới học sinh tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào mình là công dân Thủ đô.

Đoàn tham quan nghe thuyết minh tại di tích Văn Miếu Quốc tử giám

Theo TS. Lê Thị Thu Hương – Trưởng Khoa Văn hóa du lịch Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2025 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 4910/QĐ-UBND ngày 08/12/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã kết hợp với Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức hơn 30 lớp bồi dưỡng Hà Nội học ở khắp địa bàn của Thành phố Hà Nội và đã tiến hành đào tạo cho 6.200 học viên học về các nội dung cơ bản và cốt lõi của Hà Nội học cũng như là phương pháp tổ chức và quản lý ngành học này.

“Để học sinh thủ đô hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội và có trách nhiệm với chính mảnh đất các em được sinh ra và lớn lên thì nhiệm vụ của các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy nội dung địa phương Hà Nội là rất nặng nề nhưng cũng vô cùng vinh dự. Các thầy các cô phải thấu hiểu, yêu Hà Nội mới lan tỏa tình yêu đó đến với học trò. Chúng tôi hy vọng rằng, qua đợt bồi dưỡng này các chuyên gia sẽ chia sẻ cùng các thầy, các cô là học viên trong lớp những kiến thức bổ ích về Thủ đô của chúng ta”, TS. Lê Thị Thu Hương – Trưởng Khoa Văn hóa du lịch, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội chia sẻ.

 Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 

30/09/2024 16:36:07 | Số lần xem: 16
4 phút