Đổi mới trong Hội thảo Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ hai

Sáng 25 tháng 4 năm 2019, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ hai, năm học 2018 – 2019. 


Sáng 25 tháng 4 năm 2019, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Sinh viên nghiên cứu khoa học lần thứ hai, năm học 2018 – 2019. Dự Hội thảo có GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; lãnh đạo các đơn vị cùng cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường.

 GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường 

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định, Đảng ủy, Ban Giám hiệu luôn lấy “sinh viên là trọng tâm” của mọi hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được đánh giá là phương pháp hiệu quả cùng với việc kết hợp phương pháp giáo dục và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho sinh viên. Nghiên cứu khoa học không chỉ mang lại cho sinh viên cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp trong tương lai mà còn giúp sinh viên say mê yêu thích khoa học cũng như có tác phong làm việc, đánh giá, nhận định các vấn đề một cách khách quan, tổng quát. Đây chính là diễn đàn để sinh viên có cơ hội công bố những kết quả nghiên cứu khoa học, gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc tiếp cận và giải quyết vấn đề một cách khoa học.

Sinh viên trình bày đề tài tại hội trường

Hội thảo đã nhận được sự tham gia và hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên với 56 báo cáo. Các đề tài Sinh viên nghiên cứu khoa học đã được triển khai ở cấp khoa và bộ môn ngay từ đầu năm học. Qua các Hội thảo Sinh viên nghiên cứu khoa học ở cấp khoa, các đề tài đã được chọn lựa và gửi tham dự tại Hội thảo Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường.

Dựa trên nội dung các đề tài tham dự Hội thảo, Ban tổ chức đã chia các đề tài thành 2 nhóm lĩnh vực, đó là lĩnh vực Khoa học Giáo dục và Khoa học Tự nhiên – Công nghệ cùng các khoa học chuyên ngành khác. Với sự làm việc nghiêm túc, công tâm của Ban giám khảo, 24/56 đề tài đã được Ban tổ chức lựa chọn tham dự vòng 2.

Hội thảo lần này, ghi nhận nhiều đổi mới về hình thức và nội dung tổ chức.  07 đề tài đã được báo cáo bằng phương pháp trình chiếu và thuyết minh tại hội trường. Bên cạnh đó, 17 đề tài đã được thay đổi hình thức trình bày bằng poster và mô hình. 

Thuyết minh đề tài qua poster

Kết quả, Về lĩnh vực khoa học Giáo dục, Ban tổ chức đã trao giải Nhất cho Sinh viên Ngạc Thu Giang (khoa Giáo dục Tiểu học) với đề tài “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt thông qua hoạt động sân khấu hoá một số tác phẩm văn học”; trao giải Nhì cho sinh viên Nguyễn Thị Ngọc Ánh (khoa Giáo dục Mầm non) với đề tài “Phát triển ngôn ngữ thông qua hoạt động trải nghiệm cho trẻ từ 5-6 tuổi”; hai giải Ba thuộc về sinh viên Chư Ánh Nguyệt, Nguyễn Hồng Nhung (khoa Ngoại ngữ) với đề tài “Các lỗi phát âm thường gặp ở sinh viên chuyên ngành Tiếng Anh năm thứ nhất và biện pháp khắc phục” và các sinh viên Nguyễn Tiến Bộ, Bùi Thị Diễm My (khoa Khoa học Tự nhiên) với đề tài “Thiết kế dụng cụ hoá chất từ các dụng cụ hàng ngày – Một phương pháp tăng hiệu quả dạy học và phát triển kĩ năng mềm cho học sinh đáp ứng yêu cầu của dạy học trong giai đoạn mới”.

Ban tổ chức trao giải cho các sinh viên

Về lĩnh vực khoa học Công nghệ và chuyên ngành khác, giải Nhất thuộc về nhóm sinh viên Nguyễn Thành Lâm, Nguyễn Quang Đức, Vũ Hải Anh, Đậu Xuân Quân, Trịnh Đức Anh (khoa Công nghệ thông tin) với đề tài “Ứng dụng thiết bị đo nhịp tim”; giải Nhì thuộc về đề tài “Tư tưởng của Nicolo Di Bernardo Dei achiavelli về phẩm chất của người cầm quyền trong tác phẩm Quân vương” của sinh viên Đinh Thị Thao (khoa Giáo dục Chính trị); giải Ba thuộc về đề tài “Nghiên cứu nhân tố của mạng xã hội Facebook tác động đến kết quả học tập của sinh viên khoa Tâm lý – Giáo dục trường Đại học Thủ đô Hà Nội” của sinh viên Đỗ Minh Thuỷ, Phạm Thị Kim Cúc, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Thu Phương (khoa Tâm lý - Giáo dục).

Hội nghị đã diễn ra thành công, tạo khí thế mới cho phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên trường, là tiền đề cho những Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học tiếp theo với quy mô được mở rộng, chất lượng chuyên môn cao, góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 

 

 

26/04/2019 08:34:55 | Số lần xem: 2
5 phút