Dấu ấn khóa đào tạo Thạc sĩ Quản lý giáo dục đầu tiên

Sau 2 năm học tập và nghiên cứu, khóa đào tạo trình độ Thạc sĩ Quản lý giáo dục đầu tiên của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành. 

Sau 2 năm học tập và nghiên cứu, khóa đào tạo trình độ Thạc sĩ Quản lý giáo dục đầu tiên của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành. Đây là dấu mốc quan trọng, thể hiện sự chuyển mình và phát triển vượt bậc của một ngôi trường đại học đi lên từ trường cao đẳng.

Ngày 3 tháng 4, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Lễ Bế giảng và trao bằng Thạc sĩ khóa 1 (2018-2020) cho các học viên cao học ngành Quản lý giáo dục. Dự buổi Lễ có TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng; GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Bùi Văn Quân, nguyên Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Đăng Trung, Trưởng phòng Sau đại học và đào tạo quốc tế; lãnh đạo các đơn vị; cán bộ, giảng viên và 76 học viên nhận bằng Thạc sĩ ngành Quản lý giáo dục.

 PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội 

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã chúc mừng kết quả đạt được của các học viên trong thời gian qua và nhấn mạnh, quá trình hơn 60 năm đào tạo và phát triển của Nhà trường, các nhóm ngành Sư phạm và Quản lý Giáo dục vẫn được coi là thế mạnh vượt trội, là nhiệm vụ trọng tâm của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới. Cuối năm 2018, Nhà trường đã tổ chức tuyển sinh khóa đào tạo Thạc sĩ trình độ Thạc sĩ quản lý giáo dục đầu tiên với 76 học viên trúng tuyển và nhập học. Tháng 01 năm 2019, Lễ khai giảng đã được tổ chức trang trọng, là sự kiện quan trọng, thể hiện sự quyết tâm của toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường trên con đường hội nhập và phát triển.

Để thực hiện công tác đào tạo hệ cao học nói riêng và các hệ đại học, cao đẳng nói chung, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã có sự chuẩn bị chu đáo về việc mở mã ngành, thiết kế chương trình đào tạo và nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất. Tất cả nhằm giúp các học viên có môi trường học tập, rèn luyện tốt, trở thành nguồn lực chất lượng cao cho ngành giáo dục, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới giáo dục đất nước.

Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền nhận định, các giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy khóa cao học đã chủ động trong việc thiết kế chương trình giảng dạy, 100% thầy, cô thực hiện phổ biến nội dung giảng dạy, kế hoạch thi, kiểm tra và cung cấp học liệu, giáo trình đầy đủ tới học viên.

Chương trình giảng dạy có 14 chuyên đề với tổng số 51 tín chỉ học tập. Trong quá trình học tập, Nhà trường thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra tiến độ thực hiện cũng như các buổi lên lớp cụ thể của giảng viên, học viên.        

TS. Nguyễn Đăng Trung, Trưởng phòng Sau đại học và đào tạo quốc tế

Trong thời gian học tập tại trường, học viên đã có các bài báo được thẩm định và đăng trên các tạp chí khoa học (21/76 học viên) và đã được tham gia vào các seminar, hội thảo khoa học cũng như các hoạt động thực tế góp phần giúp học viên có thể hoàn thành tốt hơn luận văn tốt nghiệp. Trong năm 2020, Nhà trường tiến hành cho học viên bảo vệ luận văn tốt nghiệp vào 2 đợt (Đợt 1: tháng 8/2020 và Đợt 2: tháng 10/2020).

Trao bằng Thạc sĩ cho các học viên

 

 

Đặc biệt, trong quá trình học tập, nhiều hoạt động xã hội đã được học viên tham gia tích cực, lan tỏa nhiều giá trị. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp về việc vận động ủng hộ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả do thiên tai, lũ lụt, những ngày này, cùng với nhiều địa phương, đơn vị, các tổ chức, cá nhân trong cả nước, các học viên cao học Quản lý giáo dục khóa 2018 – 2020 của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực để chia sẻ khó khăn với người dân gặp thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ngày 3 tháng 11 năm 2020, đại diện Công đoàn trường, Đoàn Thanh niên, Hội Học sinh, sinh viên và một số cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường đã lên đường đến Quảng Bình trao tặng những món quà yêu thương tới thầy và trò 4 trường học tại huyện Lệ Thủy với tổng giá trị lên tới trên 175.000.000 đồng. Trong đó, các học viên đã ủng hộ 70.000.000 đồng.

 Có thể nói, học tập là hoạt động suốt đời, tin tưởng với những kiến thức được trang bị, các học viên sẽ phát huy những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, tiếp tục không ngừng nỗ lực tự học, tự rèn luyện để đạt được những thành tích cao hơn nữa trên con đường học thuật cũng như thiết thực nâng cao chất lượng công tác của bản thân.

Ngọc Hinh

 

05/04/2021 09:34:01 | Số lần xem: 52
5 phút

Tin liên quan