Hội thảo khoa học quốc tế: “Tự chủ hoạt động Khoa học công nghệ tại các trường đại học đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Ngày 5 tháng 1 năm 2019, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tự chủ hoạt động Khoa học công nghệ tại các trường đại học đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Ngày 5 tháng 1 năm 2019, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã long trọng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Tự chủ hoạt động Khoa học công nghệ tại các trường đại học đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.

 

Các đại biểu tham dự hội thảo

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục, giảng viên một số trường đại học đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore, Pháp, Anh, New Zealand, Ethiopia, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào… Đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức giáo dục trong nước và quốc tế tại Việt Nam, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng các đơn vị tài trợ. Về phía trường Đại học Thủ đô Hà Nội có PGS.TS. Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Nhà trường; các Phó Hiệu trưởng: GS.TS. Đặng Văn Soa, TS. Đỗ Hồng Cường cùng đông đảo cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường.

PGS.TS. Bùi Văn Quân - Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng, cho biết, hoạt động khoa học công nghệ là một trong hai nhiệm vụ  trọng tâm của cơ sở giáo dục đại học. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho tiến trình đổi mới giáo dục đại học nước nhà  hiện nay nhiều cơ hội và thách thức cần giải quyết, đặc biệt công tác tự chủ trong tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động khoa học công nghệ.

Theo Hiệu trưởng Bùi Văn Quân, cho đến nay, nhiều cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, trong đó có trường Đại học Thủ đô Hà Nội chưa đủ điều kiện kĩ thuật, nhân sự chuyên môn và công nghệ, chính sách cụ thể… cũng như nguồn lực tài chính để thực hiện tự chủ trên cơ sở vận dụng, kế thừa những thành tựu của công nghệ 4.0, trên nền tảng công nghệ 4.0. Hiện có nhiều cách trở và rào cản cả về kỹ thuật lẫn chính sách; thêm vào đó, sức ỳ tâm lí cũng là một trở ngại đáng kể khiến hoạt động này chậm phát triển, chậm đổi mới. Bởi thế, việc bàn luận, trao đổi, học tập các mô hình, kinh nghiệm đổi mới hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tự chủ là cần thiết.

Hội thảo khoa học quốc tế “Tự chủ hoạt động Khoa học công nghệ tại các trường đại học đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0" được tổ chức nhằm thảo luận và đề xuất các giải pháp về những vấn đề trên. Đây cũng là dịp để trường Đại học Thủ đô Hà Nội gửi đi thông điệp: Toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường với tinh thần cầu thị mong muốn được chia sẻ, học tập để phát triển và trở thành những đối tác tin cậy của các cơ sở giáo dục đại học cũng như của doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội trong và ngoài nước.

Hội thảo đã nhận được 110 bài báo của 122 nhà khoa học trong và ngoài nước. Trong đó, 63 bài đã được biên tập và đăng trong Kỷ yếu. Ngôn ngữ được sử dụng trong Hội thảo là tiếng Anh. Sau phần khai mạc và các báo cáo của phiên toàn thể, Ban tổ chức đã chia thành 2 tiểu ban để thảo luận sâu hơn vào các vấn đề chính.

Các đại biểu trình bày tại Hội thảo

Ở tiểu ban thứ nhất, các vấn đề chính được trao đổi bao gồm: Tự chủ đại học và Cách mạng công nghiệp 4.0 - những yêu cầu đặt ra đối với quản lý, tổ chức hoạt động khoa học công nghệ của trường đại học; Quản lý, tổ chức hoạt động khoa học công nghệ của trường đại học đáp ứng yêu cầu của tự chủ đại học và Cách mạng công nghiệp 4.0; Sự kết nối giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; Mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ trong trường đại học theo hướng tự chủ - cơ hội và thách thức; Hợp tác quốc tế trong hoạt động khoa học công nghệ; Nhu cầu và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đa dạng ngành nghề của nền kinh tế thời đại công nghiệp 4.0.

Đại biểu thảo luận tại tiểu ban thứ nhất

Ở tiểu ban thứ hai, các nhà khoa học, chuyên gia đã trao đổi, thảo luận sâu thêm về các vấn đề như: Tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nghiên cứu khoa học hiện nay; Các kết quả nghiên cứu mới về Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội, Khoa học Giáo dục… trong bối cảnh tự chủ đại học và Cách mạng công nghiệp 4.0; Một số mô hình, kết quả ứng dụng và chuyển giao công nghệ: các ứng dụng công nghệ số trong nền quản trị đại học thông minh, hệ sinh thái khởi nghiệp thông minh, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh v.v…

Sau một thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc cùng sự chuẩn bị chu đáo, khoa học, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây cũng là một trong chuỗi các sự kiện hướng tới Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường Đại học Thủ đô Hà Nội (06/1/1959 – 06/1/2019).

07/01/2019 13:57:06 | Số lần xem: 4
5 phút