Hội thảo khoa học: “Nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”

Ngày 22/5, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội".

GS.TS. NGƯT. Phùng Hữu Phú cùng đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

Dự Hội thảo, về phía khách mời có GS.TS. NGƯT. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Đào Xuân Dũng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; PGS. TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội; GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; GS. TS. Trương Quang Hải, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Việt Nam học; đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; lãnh đạo các viện nghiên cứu; Hiệu trưởng, hiệu phó các trường phổ thông đại diện cho khối công lập, tư thục ở cả 3 cấp học trên địa bàn Thành phố Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết trên địa bàn và đặc biệt là có sự tham gia của các giáo viên trực tiếp dạy nội dung lịch sử và văn hóa Hà Nội trong các trường phổ thông tại Hà Nội. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng cán bộ, giảng viên trong trường.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội phát biểu Khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006 cũng như Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục lịch sử, văn hóa là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình. Đối với Thủ đô Hà Nội, nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long – Hà Nội có ý nghĩa rất lớn, góp phần giúp học sinh Thủ đô hiểu được các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô và đất nước. Bản sắc văn hóa, lịch sử dân tộc được coi là hồn cốt của mỗi quốc gia.

Trong giai đoạn hiện nay, lịch sử, văn hóa Thăng Long – Hà Nội được Thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025.Trong Chương trình số 06 của Thành ủy, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ xây dựng và thực hiện Đề án Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045",... Thực hiện chủ trương đó, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội và các chuyên gia về cơ bản đã hoàn thành việc xây dựng tài liệu bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Trong đó, lịch sử và văn hóa là những nội dung rất quan trọng được các chuyên gia, nhà khoa học và các giảng viên dành nhiều tâm huyết biên soạn.

 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học: “Nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội” nhằm chia sẻ những kết quả và kinh nghiệm thực tiễn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long – Hà Nội tại các trường học trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Đồng thời, Hội thảo cũng nhằm ghi nhận, lấy ý kiến Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, các sở ban ngành liên quan như Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, đặc biệt là ý kiến từ các giáo viên  phổ thông - những người trực tiếp sẽ thụ hưởng kết quả từ Đề án để bổ sung vào phần nội dung, phương pháp dạy phần lịch sử, văn hóa Hà Nội, có phương pháp, cách thức dạy lịch sử, văn hóa Hà Nội phù hợp.

 GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Ban nội dung Hội thảo đã nhận được tổng số 78 bài viết, tham luận. Các bài viết đều tập trung làm rõ các nội dung chính mà chủ đề Hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội” đề cập, như: Những vấn đề cốt lõi về lịch sử - văn hóa Hà Nội cần được dạy trong các trường học trên địa bàn thành phố (11 bài); Nội dung và phương pháp khi dạy lịch sử, văn hóa Hà Nội cho học sinh khối THPT và sinh viên (8 bài); Nội dung và phương pháp khi dạy lịch sử, văn hóa Hà Nội cho học sinh khối THCS (18 bài); Nội dung và phương pháp khi dạy lịch sử, văn hóa Hà Nội cho học sinh khối Tiểu học (23 bài).

Chia sẻ từ các giáo viên dạy môn Lịch sử tại trường THCS

Các bài viết từ các trường phổ thông nhìn chung là các ý kiến về thực trạng dạy lịch sử và văn hóa Hà Nội tại các trường phổ thông, những thuận lợi và cả những khó khăn, trong đó khó khăn nhất là về phía giáo viên chưa được đào tạo bồi dưỡng phải đảm nhiệm dạy nội dung văn hóa, lịch sử Hà Nội. Những vấn đề cơ bản về lịch sử và văn hóa Hà Nội, các tác giả đều cho rằng cần tăng thời lượng học về nội dung này bởi đây là vấn đề cốt yếu của Hà Nội học. Cần bổ sung các nội dung, các chuyên đề liên quan đến Hà Nội học, trong đó có nội dung về lịch sử, về văn hóa ẩm thực, làng khoa bảng, về công nghiệp văn hóa, thành phố sáng tạo và hội nhập...

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học chia sẻ về không gian lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận hai nội dung trọng tâm: Đó là vấn đề "Nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội" và nội dung, phương pháp dạy kiến thức lịch sử, văn hóa Hà Nội trong các trường học trên địa bàn Thủ đô, hướng đến đưa môn Hà Nội học trở thành môn học trong các trường trên địa bàn Hà Nội theo đúng tinh thần của Chỉ thị 30- TC/TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, sôi nổi, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, ghi nhận nhiều ý kiến bổ ích trong việc nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long -Hà Nội trong trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

23/05/2024 08:46:02 | Số lần xem: 237
7 phút

Tin liên quan