Hội thảo khoa học dành cho học viên Cao học lần thứ hai

Chiều 17/5, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học dành cho học viên Cao học lần thứ hai. Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; một số lãnh đạo đơn vị cùng cán bộ, giảng viên và học viên Cao học Nhà trường. 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhận định, Hội thảo nghiên cứu khoa học dành cho học viên Cao học lần thứ hai nhằm mục đích tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển khả năng sáng tạo, nghiên cứu, áp dụng các vấn đề lý luận vào thực tiễn xã hội của học viên Cao học. Đây là diễn đàn khoa học để học viên được tham gia giao lưu, học hỏi cùng với các nhà khoa học, các giảng viên qua đó tìm các định hướng nghiên cứu mới, phát triển khả năng nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực thuộc chuyên ngành đang theo học.

 PGS.TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường

Theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuân, các bài viết được gửi tới Hội thảo có nội dung mang tính thời sự, có ý nghĩa thực tiễn, thể hiện tinh thần nghiêm túc, ham học hỏi, năng lực tìm tòi sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và cao hơn hết đó là năng lực tự khẳng định mình, tìm kiếm các giá trị của bản thân trong lĩnh vực chuyên ngành mà học viên đang theo học.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo, đề tài của học viên và các góp ý của các nhà khoa học. Hơn 70 bài báo cáo khoa học đã được gửi đến Hội thảo, Ban tổ chức đã thực hiện qui trình phản biện độc lập để góp ý chỉnh sửa và duyệt được 67 bài viết, công trình có chất lượng để in trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết, công trình khai thác nhiều khía cạnh lý luận, thực tiễn trong lĩnh vực Quản lí giáo dục. Cụ thể các bài viết tập trung về 5 lĩnh vực tiêu biểu. Thứ nhất, lĩnh vực quản lí hoạt động chăm sóc và giáo dục ở trường mầm non. Nội dung này được nghiên cứu theo hai góc độ: Quản lí hoạt động chăm sóc và giáo dục ở trường mầm non và Quản lý phát triển kỹ năng xã hội cho trẻ ở trường mầm non. Điển hình là các bài viết của học viên Dương Phương Anh, K5 QLGD Dương Thị Minh Ngọc - K5 QLGD, Đinh Thị Hương - K5 QLGD….

Báo cáo viên tại Hội thảo

Lĩnh vực thứ hai là về quản lí hoạt động dạy học ở trường phổ thông, được nghiên cứu cụ thể đối với từng bậc học: Tiểu học, THCS, THPT. Các bài viết đã đề cập đến nhiều vấn đề có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn nổi bật hiện nay như dạy học phân hóa, dạy học môn Khoa học Tự nhiên ở THCS theo hướng tích hợp, quản lí hoạt động ứng dụng CNTT trong dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018…

Lĩnh vực thứ ba là nghiên cứu về quản lí hoạt động giáo dục ở trường phổ thông. Các vấn đề được đề cập đến bao gồm quản lí hoạt động trải nghiệm ở Tiểu học, quản lí hoạt động trải nghiêm, hướng nghiêp ở THCS và THPT, quản lý tổ chức hoạt động giáo dục STEAM, quản lí hoạt động giáo dục môi trường, giáo dục giới tính, quản lí hoạt động tư vấn tâm lý học đường, quản lí hoạt động câu lạc bộ Tiếng Anh… Điển hình là các bài viết của Nguyễn Hồng Thái - K5 QLGD, Lý Thị Như Hoa - K5 QLGD, Lê Văn Trí - K5 QLGD, Tô Thị Hồng Hạnh - K5 QLGD…

Lĩnh vực thứ tư là quản lí phát triển nguồn lực giáo dục ở các bậc học bao gồm các nghiên cứu về quản lí phát triển nguồn nhân lực – bồi dưỡng giáo viên các cấp học đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, quản lí tài chính, quản lí cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà truwowgf. Điển hình có các bài viết của học viên: Nguyễn Văn Phúc - K5 QLGD, Bùi Văn Chiên - K5 QLGD, Cao Thị Thế Hiền - K5 QLGD, Hoàng Thị Quyên - K5 QLGD, Trần Văn Nguyên - K5 QLGD…

Lĩnh vực thứ năm là xây dựng văn hóa nhà trường và giáo dục sự phát triển bền vững bao gồm các hướng nghiên cứu về xây dựng văn hóa nhà trường theo mô hình trường học hạnh phúc, xây dựng môi trường giao tiếp văn hóa, phong cách quản lý của hiệu trưởng với vấn đề củng cố xây dựng và phát triển một số giá trị văn hóa nhà trường…

Ban tổ chức đã lựa chọn 4 báo cáo đạt chất lượng tốt nhất trình bày tại Hội thảo, đó là: “Hoạt động đánh giá kết quả học tập của học sinh các trường THCS theo thông tư số 22/2021/TT-BGD&ĐT – trường hợp điển hình tại Trường THCS huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên” - học viên Lê Thị Điệp- K5 QLGD; “Thực trạng bồi dưỡng năng lực quản lý cho cán bộ quản lý trường THCS theo hướng chuẩn hóa: trường hợp tại trường THCS huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh” - học viên Lê Văn Thức - K5 QLGD; “Công tác quản lý phòng học bộ môn tại Trường THCS Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018” – học viên Nguyễn Văn Phúc - K5 QLGD; “Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ mẫu giáo bé 3-4 tuổi tại các trường mầm non trên địa bàn quận Long Biên, Thành phố Hà Nội trong bối cảnh đổi mới giáo dục mầm non” – học viên Dương Thị Minh Ngọc - K5 QLGD. 

Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, nhiều ý kiến có ý nghĩa thực tiễn cao và là cơ sở để tham vấn, điều chỉnh một số hoạt động quản lý giáo dục ở các cấp học. 

20/05/2024 10:35:16 | Số lần xem: 135
5 phút

Tin liên quan