Giới thiệu Trung tâm Thông tin - Thư viện và Học liệu

1. Thông tin liên hệ

   – Địa chỉ: Trung tâm Thông tin – Thư viện và Học liệu, Nhà Thư viện khu B cơ sở 1 Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

   – Điện thoại: 04. 38338603(đ/c Đường) – 04.38336152 (phòng đọc)

   – Email:  thuvien@daihocthudo.edu.vn

   – Giám đốc : ThS. Quách Hải Đường

ĐỘI NGŨ TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN VÀ HỌC LIỆU 

ThS. Quách Hải Đường

Giám đốc

CN. Đặng Minh Chung

Phó Giám đốc

ThS. Quản Thương Lý

Phó Giám đốc

 

2. Thời gian thành lập

Trung tâm Thông tin – Thư viện trường Đại học Thủ đô Hà Nội được hình thành ngay sau khi nhà trường chính thức có quyết định thành lập năm 1959, với tên gọi ban đầu là Thư viện.

3. Quá trình phát triển

Giai đoạn 1959 đến 1977, Thư viện hoạt động dưới hình thức của một tổ phục vụ bao gồm: ông Lê Chí Thiện, bà Phạm Thị Nhiên, bà Nguyễn Thị Mùi, ông Phạm Đức Dục. Sách và tài liệu thư viện lúc này phần lớn bằng tiếng Việt và một số tài liệu tiếng Nga.

Năm 1977, Thư viện được bổ sung 02 cán bộ là Nguyễn Thị Thúy Loan và Trương Minh Trang. Từ tháng 9 năm 1977 đến năm 1982, Thư viện trực thuộc phòng Đào tạo.

Năm 1982, Thư viện tách ra khỏi phòng Đào tạo trở thành một đơn vị độc lập trực thuộc Ban Giám hiệu. Chủ nhiệm Thư viện: ông Phạm Ngọc Liễn; Phó Chủ nhiệm: ông Nguyễn Đình Nhị. Sau năm 1985 ông Nguyễn Đình Nhị làm Chủ nhiệm ban Thư viện đến năm 1994. Người kế nhiệm ông Nguyễn Đình Nhị làm Trưởng ban Thư viện là bà Nguyễn Thị Thúy Loan.

Năm 1999, được sự quan tâm của nhà trường, Thư viện được đầu tư xây mới tại khu B của trường, bên cạnh Kí túc xá sinh viên. Lãnh đạo Ban Thư viện giai đoạn này là bà Nguyễn Thị Thúy Loan – Trưởng ban và bà Đặng Thị Dư – Phó trưởng ban.

Năm 2005, Thư viện được tổ chức lại từ sự kết hợp giữa hai đơn vị là Thư viện và Trung tâm hỗ trợ Dạy – học. Lúc này, Thư viện trở thành một bộ phận nằm trong Trung tâm Hỗ trợ Dạy – học. Bà Trần Thị Dần được bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm.

Thực hiện quy chế mẫu về tổ chức hoạt động thư viện trường Đại học (Ban hành kèm theo Quyết định số 13/2008/QĐ-BVHTTDL ngày 10 tháng 3 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), tăng cường hiệu lực quản lí trong công tác Thư viện, tháng 12 năm 2008 trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đã ban hành quyết định chính thức đổi tên Trung tâm Hỗ trợ Dạy – học thành Thư viện trường CĐ Sư phạm Hà Nội. Bà Nghiêm Thị Hảo được cử giữ chức vụ Giám đốc từ năm 2007 đến năm 2011, bà Quách Hải Đường là Phó Giám đốc từ năm 2009 đến 2014.

Tháng 6/2014 thực hiện QĐ 360/QĐ-CĐSPHN, Thư viện đổi tên thành Trung tâm Thông tin – Thư viện, bà Quách Hải Đường được cử giữ chức vụ Giám đốc.

Ngày 18/12/2015, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội ra quyết định thành lập Trung tâm Thông tin – Thư viện Đại học Thủ đô Hà Nội trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Thông tin – Thư viện trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

4. Chức năng, nhiệm vụ

Chức năng

Tham mưu, giúp Hiệu trưởng trong công tác quản lý, tổ chức, triển khai thực hiện các hoạt động thông tin - thư viện. Tổ chức, triển khai, thực hiện công tác lưu trữ, khai thác, cung cấp, sản xuất tài liệu, học liệu, tư liệu khoa học phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và học tập của cán bộ, viên chức, người lao động và sinh viên. Tham mưu và tổ chức trong công tác truyền thông, quản trị thông tin tư liệu Trường.

Nhiệm vụ  

4.1. Công tác Thư viện

a) Xây dựng quy chế làm việc, lập kế hoạch truyền thông, quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động về quản trị thông tin, quản trị trang thông tin điện tử, học liệu và trang thiết bị của Trung tâm để phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học; phù hợp với quy định của pháp luật.

b) Tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, phục vụ các loại sách báo, tạp chí, thông tin khoa học mới; Tăng cường công tác khai thác, cập nhật thông tin khoa học, xây dựng các biện pháp tra cứu để kịp thời phổ biến, giới thiệu rộng rãi cho bạn đọc.

c) Thu thập, nhận lưu chiểu bản gốc các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã bảo vệ tại Trường; các kết quả nghiên cứu khoa học, các ấn phẩm của Trường.

d) Tham gia các hội nghề nghiệp, các hội nghị, hội thảo khoa học về thông tin thư viện trong nước và quốc tế khi được Hiệu trưởng đồng ý; liên kết, hợp tác với các thư viện, trung tâm thông tin, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về tiếp nhận tài trợ, viện trợ, trao đổi nguồn lực thông tin, kinh nghiệm chuyên môn, tham gia các mạng thông tin khi được Hiệu trưởng ủy quyền và phù hợp với quy định của pháp luật.

đ) Phối hợp với các đơn vị để xác định nhu cầu; bổ sung thường xuyên và xử lý nghiệp vụ sách, báo, tài liệu, giáo trình, tạp chí, các trang thiết bị cho Trung tâm theo yêu cầu công tác của Trường.

4.2. Công tác truyền thông

a) Là đơn vị quản trị các hoạt động truyền thông của Trường; Là đầu mối triển khai các văn bản, hướng dẫn về công tác truyền thông.

b) Phát triển và quản lý mối quan hệ với các cơ quan truyền thông.

c) Quảng bá thương hiệu của Trường trên các phương tiện truyền thông; Chuyển tải thông điệp về các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu đến cộng đồng.

d) Thu thập thông tin, phối hợp với các đơn vị để cập nhật và khai thác và quản trị các cơ sở dữ liệu thông tin nội bộ.

đ) Vận hành trang thông tin điện tử của Nhà trường; thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá, phổ biến, kết nối thông tin của Nhà trường với các nội dung đã được kiểm duyệt; phù hợp với quy định của pháp luật.

e) Phối hợp với các đơn vị triển khai truyền thông tuyển sinh, truyền thông sự kiện.

4.3. Công tác học liệu

a) Tổ chức triển khai các hoạt động về nghiên cứu, sản xuất và khai thác học liệu truyền thống và học liệu điện tử. Phối hợp với các đơn vị chức năng trong việc triển khai đào tạo, bồi dưỡng bằng hình thức E-learing.

b) Phát hành, cung ứng các loại học liệu, sản phẩm dịch vụ liên quan đến học liệu phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên, các đơn vị trực thuộc Trường và các cá nhân có nhu cầu.

c) Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng hiện đại hóa các hoạt động của Trung tâm Thông tin - Thư viện và học liệu phục vụ các đối tượng trong và ngoài trường.

d) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng giao.

5. Thành tựu nổi bật và định hướng phát triển

Nguồn lực

Nguồn tài liệu của Trung tâm Thông tin – Thư viện và Học liệu được bổ sung phù hợp với yêu cầu đào tạo của các khoa đào tạo, phù hợp với quy định của Nhà trường. Nguồn tài liệu hiện có hơn 135.000 tài liệu. Tổng số đầu sách hiện có 18.000 đầu sách, hơn 100 loại báo, tạp chí. Thư viện có hệ thống máy tính nối mạng (40 máy tính), 01 hệ thống cổng an ninh và hệ thốngcamera giám sát hiện đại; 01 hệ thống tự mượn – trả tài liệu, 05 máy đọc mã vạch, 02 máy scan tài liệu và đầy đủ các thiết bị văn phòng phục vụ hoạt động của Thư viện.

Công tác chuyên môn

Trung tâm Thông tin – Thư viện và Học liệu tổ chức theo mô hình thư viện khoa học chuyên ngành, thư viện truyền thống kết hợp với thư viện số.

Những năm gần đây Thư viện được quan tâm bổ sung các nguồn tài liệu có giá trị đảm bảo đáp ứng yêu cầu đào tạo mã ngành đào tạo đại học chất lượng cao. Tài liệu được bổ sung không chỉ từ các nguồn mua truyền thống mà còn được đặt mua trực tiếp từ các nước, thông qua các chuyến học tập, làm việc tại nước ngoài của cán bộ giảng viên Nhà trường), bổ sung từ các dự án tài trợ nước ngoài.

Bên cạnh phát triển các dịch vụ thư viện truyền thống, Trung tâm Thông tin – Thư viện và Học liệu tập trung nguồn lực để triển khai các dịch vụ thư viện hiện đại.

Từ năm 2015, Trung tâm Thông tin – Thư viện và Học liệu chính thức triển khai Thư viện số Đại học Thủ đô Hà Nội tại địa chỉ http://thuvienso.daihocthudo.edu.vn/.

Định hướng phát triển

Trung tâm Thông tin – Thư viện và Học liệu đã và sẽ xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu tài liệu, học liệu số cho trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhằm đáp ứng được nhu cầu khai thác tài liệu, học liệu trực tuyến của cán bộ, giảng viên, sinh viên Nhà trường. Quản trị kho dữ liệu số hiệu quả đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học và đào tạo phù hợp với tiến trình phát triển của Nhà trường.

Xây dựng Trung tâm Thông tin – Thư viện và Học liệu trên nền tảng của thư viện truyền thống kết hợp thư viện điện tử. Nâng cấp Trung tâm Thông tin – Thư viện và Học liệu đảm bảo khả năng phát triển bền vững, phục vụ cho mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu.

26/02/2020 10:17:19 | Số lần xem: 334
8 phút

Tin liên quan