Giới thiệu ngành Tâm lí học

 

 

Giới thiệu chung về ngành Tâm lý học

Mã ngành: 7310401

-  Tên văn bằng tốt nghiệp: Cử nhân Tâm lý học

-  Thời gian đào tạo: 4 năm

-  Hình thức đào tạo: Chính quy tập trung

1. Tầm quan trọng của ngành Tâm lý học đối với cộng đồng

Tâm lý học là một ngành Khoa học nhân văn, đây là ngành học phục vụ các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, tâm lý của con người.

Trong xã hội hiện đại, dù làm việc ở bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào, người lao động cũng cần có khả năng thích ứng, chịu được áp lực cao của công việc, tương tác giao tiếp hiệu quả với mọi người. Kỳ thực, tất cả chúng ta đều ý thức rõ được điều đó. Tức là một con người không chỉ cần khỏe mạnh về thể chất mà còn cần khỏe mạnh về tinh thần.

Nhưng thực tiễn không như mong muốn, nhiều người gặp các khó khăn tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi... Với rất nhiều nguyên nhân đa dạng từ cấu tạo bất thường của thể chất, nguyên nhân thực thể (bị bệnh ở não) đến các nguyên nhân về mặt tâm lý (lo âu, áp lực về học tập, lao động, mâu thuẫn trong các mối quan hệ ...) và các nguyên nhân đến từ các lối sống tiêu cực, ảnh hưởng của những môi trường xã hội thiếu lành mạnh.

 Các khó khăn tâm lý, khủng hoảng tâm lý xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến thanh thiếu niên, tuổi trung niên, tuổi già. Ở cả nam, nữ, ở mọi tầng lớp giàu nghèo, nhiều người đang chật vật tìm sự bình an, hạnh phúc trong đời sống tinh thần. Ở các cơ quan, công sở mọi lĩnh vực kinh doanh, y tế, du lịch, quân sự, chính trị, trường học ... vấn đề tâm lý, tinh thần đều được quan tâm. Đời sống tâm lý của gia đình, cộng đồng, xã hội là một trong những tâm điểm hình thành một quốc gia thịnh vượng, phát triển. Bởi vậy, việc đào tạo giảng dạy ngành Tâm lý học vô cùng cần thiết.

Trong bối cảnh hiện nay, tăng cường công tác đào tạo ngành Tâm lý học là vấn đề cấp bách, Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực ngành Tâm lý học:

- Các trường học phổ thông thiếu trầm trọng cán bộ tâm lý học đường, giáo viên phải đóng nhiều vai.

- Ngành Y tế rất cần chuyên gia tâm lý trong việc tham vấn tâm lý cho bệnh nhân và bác sĩ, đội ngũ nhân viên y tế.

- Nhiều công sở, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng chuyên gia tâm lý.

- Các khủng hoảng xã hội bất ổn, ví dụ trong và hậu đại dịch covid 19, nhiều người cần điều trị khủng hoảng tâm lý

- Tổ chức Y tế thế giới khẳng định, hiện nay, trầm cảm là căn bệnh thứ hai gây hại đến sức khỏe của con người chỉ sau tim mạch. Trong đó trầm cảm ở Việt Nam hiện nay đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt là trong giới trẻ.

- Nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần ở Việt Nam ngày một tăng cao.

2. Về đào tạo ngành Tâm lý học tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Bộ môn Tâm lý, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn được hình thành, phát triển từ năm 1959, thời điểm thành lập trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, tiền thân là bộ môn Tâm lý Giáo dục sau đó là Khoa Tâm lý giáo dục – hiện nay là bộ môn Tâm lý, Khoa KHXH&NV, trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Với chặng đường, 64 năm đào tạo kiến thức tâm lý sư phạm, tâm lý giáo dục cho sinh viên sư phạm và hiện nay mở rộng đào tạo tâm lý cho các ngành ngoài sư phạm của toàn trường. Đây là nền tảng đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy vững chắc để Khoa KHXH&NV xây dựng, phát triển mã ngành Tâm lý học phục vụ xã hội, cộng đồng.

Khoa KHXH&NV, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đào tạo ngành Tâm lý học theo định hướng ứng dụng, trang bị cho người học các kỹ năng trọng yếu của một chuyên gia Tâm lý học chuyên nghiệp: mô tả, giải thích, dự đoán, chẩn đoán, kiểm soát được các vấn đề tâm lý trong nhiều lĩnh vực như trường học, y tế, kinh doanh, quản lý nhân sự ... và hình thành các phẩm chất đạo đức của một nhà tâm lý, một công dân toàn cầu, công dân quốc gia, công dân thủ đô.

Chương trình đào tạo Tâm lý học của trường Đại học Thủ đô Hà Nội tập trung vào nhiều lĩnh vực từ trang bị các kiến thức lý thuyết, thực hành cơ bản đến nâng cao các lĩnh vực tham vấn, chẩn đoán, nghiên cứu tâm lý, trị liệu tâm lý, phòng ngừa các khó khăn tâm lý ... cung cấp những tri thức nền tảng tâm lý như tâm lý đại cương, lịch sử tâm lý học, tâm lý học xã hội, tâm lý học phát triển, tâm lý học sáng tạo, tâm lý học giao tiếp, tâm lý khác biệt ... và những ứng dụng của tâm lý vào các lĩnh vực xã hội: tâm lý học giáo dục, tâm lý học y tế, tâm lý học kinh doanh, tâm lý học du lịch, tâm lý học nhân sự ... Việc đào tạo căn bản về lý thuyết, chú trọng thực hành, mở rộng đào tạo ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai.

Sứ mệnh ngành Tâm lý học, trường Đại học Thủ đô Hà Nội:

Rèn Tâm luyện Trí, nâng cao tinh thần cộng đồng

Đội ngũ đào tạo ngành Tâm lý học, trường Đại học Thủ đô Hà Nội bao gồm nhiều chuyên gia, giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu tâm lý học, tham vấn tâm lý được đào tạo chuyên nghiệp ở các lĩnh vực: tâm lý giáo dục, tâm lý trường học, tâm lý lâm sàng ... Đội ngũ ngành Tâm lý học đều có trình độ Thạc sĩ Tâm lý học và nhiều cán bộ giảng viên trình độ Tiến sĩ Tâm lý học. Các cán bộ giảng viên đều tâm huyết với công tác đào tạo, nghiên cứu tâm lý; luôn nhiệt tình hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động học tập, nghiên cứu và các hoạt động ngoại khóa.

3. Cơ hội việc làm và quyền lợi của sinh viên ngành Tâm lý học

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Tâm lý học, người học có thể tham gia nhiều công việc như:

- Nghiên cứu, giảng dạy tâm lý học tại các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường Cao đẳng, Đại học.

-  Chuyên gia tham vấn tâm lý làm việc trong các cơ sở giáo dục đào tạo.

- Chuyên viên trị liệu tâm lý tại các trung tâm giáo dục đặc biệt.

- Chuyên viên trị liệu tâm lý tại các bệnh viện.

- Chuyên viên phụ trách các công tác nhân sự, quan hệ khách hàng, tổ chức sự kiện trong các doanh nghiệp.

- Diễn giả, chuyên gia huấn luyện đào tạo về giá trị sống, kỹ năng sống

- Chuyên gia sáng tạo ý tưởng, cố vấn cho các hoạt động, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần

Sinh viên ngành Tâm lý học, Đại học Thủ đô Hà Nội có nhiều cơ hội trải nghiệm thực tiễn, thực hành tại Trung tâm tham vấn và can thiệp sớm của Khoa KHXH&NV. Bản thân sinh viên sẽ học được cách phát triển tinh thần, tự biết cách chăm sóc sức khỏe tâm lý của mình. Được rèn luyện các kỹ năng giao tiếp, các giá trị sống, kỹ năng sống cốt lõi. Được làm việc nhóm, tham gia vào các dự án, hoạt động nghiên cứu tâm lý thực tiễn.  

Sinh viên có cơ hội học thêm ngành thứ hai trong quá trình học tại trường Đại học Thủ đô, mở rộng thêm cơ hội việc làm đối với nhiều ngành nghề.

Chương trình đào tạo Tâm lý, chú trọng các hoạt động thực hành, thực tập nghề nghiệp tại các trường học, bệnh viện, cơ quan doanh nghiệp ... tạo nền tảng cho sinh viên hình thành kỹ năng nghề nghiệp từ sớm. Chương trình cử nhân Tâm lý học, Khoa KHXH&NV đáp ứng được việc học lên sau đại học, Thạc sĩ Tâm lý học và Tiến sĩ Tâm lý học đối với những sinh viên có năng lực học tập, nghiên cứu xuất sắc.

Ngoài các hoạt động học tập, sinh viên được tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa của Đoàn, Hội, các câu lập bộ học tập, câu lập bộ văn nghệ của Khoa, Trường. Được tạo điều kiện kết nối với nhiều hoạt động ngoại khóa, học tập của các cơ sở đào tạo Đại học trên địa bàn Hà Nội.

Sinh viên được cấp học bổng hàng năm, được khen thưởng khi có các thành tích cao trong các hoạt động học tập; Đoàn, Hội; hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động sáng tạo khởi nghiệp, hoạt động Festival HNMU, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ... cũng như được khuyến khích đóng góp các ý tưởng về việc tổ chức, xây dựng các hoạt động ngoại khóa lành mạnh cho tập thể lớp, Khoa, Trường.

4. Thông tin tuyển sinh đại học ngành Tâm lý học năm 2023

Chỉ tiêu tuyển sinh: 45 (25: Xét kết quả tốt nghiệp THPT; 15: Xét kết quả học tập cấp THPT- học bạ; 5: Xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh và xét tuyển dựa vào Chứng chỉ chứng nhận năng lực ngoại ngữ quốc tế).

Tổ hợp môn xét tuyển:

- D96: Toán, KHXH, Tiếng Anh

- D72: Toán, KHTN, Tiếng Anh

- D70: Ngữ văn, KHXH, Tiếng Anh

- C00: Văn, Sử, Địa

Phương thức tuyển sinh năm 2023

- Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Mã 301)

- Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào Chứng chỉ chứng nhận năng lực ngoại ngữ quốc tế bậc 3 hoặc tương đương trở lên tính đến thời điểm nộp hồ sơ còn thời gian sử dụng theo quy định (Mã 408)

- Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 bậc THPT (Mã 200)

- Phương thức 4: Xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT

Ghi chú: Mã phương thức xét tuyển và tên phương thức tương ứng:

100Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT
200Xét kết quả học tập THPT (học bạ)
301Xét tuyển thẳng theo quy định của Quy chế tuyển sinh (Điều 8)
408Chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển

 

 

 

 6. Thông tin liên hệ và các thông tin về Khoa KHXH&NV, ngành Tâm lý học

Hotline hỗ trợ, tư vấn tuyển sinh ngành Tâm lý học:

Cô Bùi Thị Hồng Minh, SĐT: 0988425894

Thầy Lê Minh, SĐT: 0375571990;

Cô Đỗ Thị Thủy: 0972665825

Website Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: https://hnmu.edu.vn/

Fanpage Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn: https://www.facebook.com/khoakhoahocxahoinhanvanHNMU

---------

Thông tin liên hệ:

Fan page Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: https://www.facebook.com/hnmu.edu.vn/ 

Fan page Tư vấn tuyển sinh trường Đại học Thủ đô Hà Nội: https://www.facebook.com/hnmutuyensinh/ 

Nhóm Facebook: https://www.facebook.com/groups/hnmu.edu.vn 

Zalo OA Trường Đại học Thủ đô Hà Nội: 0986735072

24/04/2023 14:26:00 | Số lần xem: 1451
9 phút