Thành công từ hội thảo khoa học quốc gia
Ngày 15/6/2018, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: “Đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới, các Chuẩn nghề nghiệp và nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương”. Dự Hội thảo, về phía khách mời có đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; UBND Thành phố Hà Nội; các Sở, ban ngành Thành phố Hà Nội; đại diện các Viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục Đại học, trường phổ thông, các nhà khoa học, nhà giáo và các nhà tài trợ cho chương trình. Về phía trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự và chủ trì Hội thảo có GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; lãnh đạo các đơn vị cùng toàn thể cán bộ, giảng viên trong trường.
GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: “Đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới, các Chuẩn nghề nghiệp và nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương” được tổ chức theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), “Về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, giáo dục nước nhà những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến, thay đổi mạnh mẽ. Tháng 7/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Chương trình giáo dục phổ thông (Chương trình tổng thể), sẽ áp dụng từ năm học 2019 – 2020. Mọi công tác chuẩn bị và các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực thi Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo quyết liệt với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục cũng như các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo giáo viên.
Trên phương diện nghiên cứu khoa học phục vụ thực thi Chương trình giáo dục phổ thông mới, đã có nhiều chương trình và đề tài nghiên cứu ở các cấp được triển khai; nhiều Hội thảo về đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới được tổ chức. Hội thảo của trường Đại học Thủ đô Hà Nội được tiếp nối chủ đề này nên có nhiều thuận lợi, tuy nhiên cũng có nhiều thách thức về phương diện học thuật cũng như thực tiễn. Đó là tìm ra những điểm mới mà Hội thảo sẽ đóng góp cho công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng thực thi Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Với nhận thức đó, Ban tổ chức Hội thảo đã tiếp cận các vấn đề đề cập trong Hội thảo dưới góc độ các trường đại học, cao đẳng địa phương có đào tạo giáo viên. Hội thảo sẽ tạo ra sự đồng thuận và tiếng nói chung của các trường đại học, cao đẳng địa phương có đào tạo giáo viên trong việc xác định vai trò, vị thế của mình với việc đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới và những khuyến nghị về cơ chế, chính sách để các trường đại học, cao đẳng địa phương có đào tạo giáo viên phát huy được vai trò, vị thế của mình trong công tác này.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 86 báo cáo của các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên… từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục phổ thông quốc gia, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, từ nhiều trường Đại học, Cao đẳng, các trường phổ thông trên toàn quốc. Căn cứ vào nội dung và tiêu chí của Hội thảo, Ban Tổ chức đã lựa chọn 64 báo cáo đăng toàn văn trong Kỷ yếu và lựa chọn 7 báo cáo để thảo luận tại Hội thảo.
Các đại biểu báo cáo tại Hội thảo
Với không khí sôi nổi, cởi mở, thẳng thắn nhìn vào thực tế, các đại biểu tham dự Hội thảo đã tập trung trao đổi, đề xuất, đóng góp nhiều ý kiến; thể hiện tầm nhìn sâu rộng, kinh nghiệm và tâm huyết của các nhà khoa học, nhà giáo với ngành Giáo dục, Chương trình giáo dục phổ thông mới, với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên… Các đại biểu đã làm sâu sắc thêm các vấn đề về Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sự gắn kết giữa Chuẩn nghề nghiệp; Mục tiêu chất lượng và nội dung Chương trình: Kinh nghiệm của các nước và Việt Nam trong việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên phổ thông và Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới, các Chuẩn nghề nghiệp và nhu cầu của các địa phương.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Sau thời gian làm việc nghiêm túc, khoa học, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Các ý kiến trao đổi, thảo luận đã làm rõ thêm những điểm mới của chương trình và sự thích ứng của các khâu trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Hội thảo cũng gợi mở vấn đề để các trường cao đẳng, đại học có đào tạo sư phạm và các viện Nghiên cứu sư phạm thể hiện vai trò chủ động, tiên phong trong việc tạo ra các làn sóng đổi mới giáo dục và đào tạo giáo viên. Hội thảo cũng là nơi bày tỏ tiếng nói của các trường cao đẳng, đại học địa phương đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước. Chính các trường cao đẳng, đại học địa phương có thế mạnh trong việc phát hiện nhu cầu sử dụng lao động ở địa phương để tiến hành điều chỉnh, đổi mới công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Vai trò này đã gợi ra sự liên kết của các trường cao đẳng, đại học địa phương có thể tạo ra một mạng lưới đào tạo có tính chiến lược, linh hoạt, thích ứng với thay đổi kinh tế – xã hội của vùng và của đất nước. Đây cũng là dịp trường Đại học Thủ đô Hà Nội giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tăng cường sự gắn kết với các đơn vị và các trường đại học, cao đẳng, phổ thông trên toàn quốc.
Ngọc Hinh – Công Khanh