Phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo  trên địa bàn Thành phố Hà Nội

Phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội là chủ đề của Diễn đàn Giáo dục Hà Nội 2024 diễn ra vừa qua.

 

Ngày 21/12 tại Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu đã diễn ra Diễn đàn Giáo dục Hà Nội 2024 với chủ đề “Nhà trường, Nhà giáo Hà Nội phát huy truyền thống “hai tốt” tiếp tục đổi mới, sáng tạo để giáo dục đào tạo thủ đô là trung tâm giáo dục lớn tiêu biểu của cả nước”.

PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trưởng ban chuyên môn Chương trình 1217 đã trình bày tham luận về “Phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội”

Tham dự Diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Trưởng ban chuyên môn Chương trình 1217 đã trình bày tham luận về “Phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội”.

Đây là nhiệm vụ thuộc Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” mà Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội giao thực hiện.

Hệ sinh thái học tập sáng tạo là một môi trường học tập tổng hợp, kết nối nhiều yếu tố khác nhau để khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới. Nó không chỉ đơn thuần là một lớp học, một trường học mà là một hệ thống bao gồm các cộng đồng, tổ chức, mạng lưới, công nghệ và chính sách hỗ trợ cho việc thúc đẩy khả năng sáng tạo và tư duy phản biện của người học. Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, xây dựng hệ sinh thái học tập sáng tạo bao gồm: Nghiên cứu xây dựng mô hình hệ sinh thái học tập sáng tạo; thử nghiệm mô hình; xây dựng công cụ đánh giá; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực; kết nối các thành phần của hệ sinh thái. Trong đó giải pháp phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo cần tập trung vào: Thứ nhất là văn hóa – thể chế - chiến lượcTiếp tục thực hiện tốt các Chương trình công tác số 06 và 07 của Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Triển khai thực hiện các cơ chế chính sách về phát triển Văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong Luật Thủ đô năm 2024. Thứ hai, tăng cường đầu tư con người và công nghệĐầu tư nguồn nhân lực: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có năng lực, sáng tạo. Đầu tư công nghệ: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình học tập, tạo ra các nền tảng học tập trực tuyến, các ứng dụng hỗ trợ học tập. Thứ ba, phát triển các mô hình hợp tác: giữa nhà trường và doanh nghiệp; hợp tác giữa các trường học; hợp tác với cộng đồng. Thứ tư, tổ chức các cuộc thi sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp sáng tạo. Thứ 5, tăng cường hợp tác quốc tế: Tham gia các mạng lưới quốc tế, đẩy mạnh việc thực hiện các cam kết của Hà Nội khi tham gia mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Tổ chức các sự kiện quốc tế: Mời các chuyên gia quốc tế đến chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện nay Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng mô hình lý thuyết và mô hình công nghệ, xây dựng bộ chỉ số đánh giá hệ sinh thái học tập sáng tạo tại các nhà trường. Mô hình sẽ được đưa vào thử nghiệm tại các cấp học trong quý I năm 2025 và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong quý II năm 2025.

Khi hệ sinh thái học tập sáng tạo được phát triển trên toàn địa bàn thành phố, sẽ có tác động tích cực đến việc phát triển nền giáo dục sáng tạo cho Thủ đô Hà Nội.

Nguồn: Ban Chuyên môn Chương trình 1217

22/12/2024 10:18:12 | Số lần xem: 1
4 phút