Những vấn đề cấp thiết đặt ra trong Hội thảo khoa học quốc gia: “65 năm giáo dục Thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội”

Những vấn đề cấp thiết đặt ra trong Hội thảo khoa học quốc gia: “65 năm giáo dục Thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội"

Trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc gia: “65 năm giáo dục Thủ đô và giá trị sống của người Hà Nội” vừa được tổ chức ngày 5 tháng 10 năm 2019 tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Ban tổ chức đã nhận được trên 100 bài tham luận của các tác giả là các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà giáo từ nhiều cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục phổ thông trong và ngoài Thành phố Hà Nội. Điều đáng chú ý là các tham luận đều khẳng định tính cấp thiết, sự hấp dẫn của vấn đề mà Hội thảo đặt ra.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ 

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ “ngành giáo dục Thủ đô Hà Nội từ 02/9/1945 có biết bao thành tích đáng tự hào, với sản phẩm của nó là những tấm gương nghĩa hiệp, sự thông minh khả ái, khả uý rất đáng nể trọng. Song còn đó mối lo và điều trăn trở khi có một bộ phận công dân, một bộ phận thanh thiếu niên sinh viên Hà Nội đang có cách sống và lối sống thiếu sự khiêm cung, coi thường giá trị tình nghĩa (tấm lòng và trách nhiệm), đang thiếu lòng tự trọng, thiếu sự xấu hổ trong một số cư xử thường nhật, sống thiếu nhân tính, xa rời quốc tính và nhạt nhoà cá tính”. Nhận định này được minh chứng bởi nghiên cứu thực tiễn của các cán bộ, giảng viên trường Đại học Thủ đô Hà Nội về hành vi lệch chuẩn nơi công cộng của giới trẻ Hà Nội. Có nhiều tham luận có cách đặt vấn đề chung về việc cần tăng cường giá trị sống cho thế hệ trẻ. Bởi đây là cái gốc rễ, là tâm điểm cho việc triển khai các nội dung khác cho giới trẻ. Cần giúp cho thanh thiếu niên lựa chọn những giá trị sống đúng đắn, từ đó giới trẻ sẽ có kỹ năng sống cần thiết, có được nếp sống, lối sống đẹp.

TS. Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội 

Bám sát chủ đề của Hội thảo, tham luận của TS. Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã khái quát tình hình giáo dục của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt nhấn mạnh đến giai đoạn 20 năm đổi mới và mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội, từ đó nhấn mạnh đến hoạt động giáo dục giá trị sống của người Hà Nội cho học sinh Hà Nội. Thực trạng giáo dục này được mô tả cụ thể từ mục tiêu, nội dung đến những kết quả đã đạt được. Có thể nhận thấy, giáo dục Thủ đô Hà Nội đã đi đúng hướng và gặt hái thành tựu trong việc giáo dục giá trị sống mang bản sắc Hà Nội cho học sinh Thủ đô bằng việc xây dựng và sử dụng bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội” trong chương trình giáo dục của các cơ sở giáo dục phổ thông của Thủ đô Hà Nội. 

Đại biểu thảo luận tại Hội thảo 

Các tham luận khác đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau về giáo dục giá trị sống và vai trò của giáo dục với sự hình thành, phát triển các giá trị sống của cá nhận, cộng đồng nói chung, Hà Nội nói riêng, bao gồm: chất liệu của giá trị sống, tiêu chí nhận diện giá trị sống, các giá trị sống cốt lõi cần giáo dục cho học sinh, sinh viên (TS. Trịnh Ngọc Ánh, TS. Nguyễn Thị Bảy, TS. Đinh Thị Kim Thương, PGS. Đặng Quốc Bảo…); các yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục giá trị sống cho các nhóm đối tượng khác nhau,… Nghiên cứu của GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc về Hà Nội học liên ngành với những khuyến cáo dành cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong việc xây dựng, phát triển Hà Nội học liên ngành – phương thức hiệu quả để Trường Đại học Thủ đô Hà Nội thực hiện tốt sứ mạng của mình là tiếp nối các giá trị truyền thống của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

GS. TS. Nguyễn Quang Ngọc

Nhóm các tham luận mà các tác giả là cán bộ, giảng viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tập trung khai thác các biện pháp, kỹ thuật giáo dục giá trị sống cho các đối tượng người học, gồm: Giáo dục giá trị sống cho sinh viên trong quá trình đào tạo tại trường, các biện pháp giáo dục giá trị sống cho học sinh trong dạy học các môn học ở phổ thông; đặt ra và giải quyết những vấn đề về vị trí, vai trò của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội với giáo dục Thủ đô.

Như vậy, các ý kiến tham luận gửi về Hội thảo đã đặt ra những vấn đề cấp thiết, bức tranh toàn cảnh về thực trạng giá trị sống của người Hà Nội; giáo dục giá trị sống cho người Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Sự thành công của Hội thảo sẽ là tiền đề để Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tiếp tục thực hiện thành công chương trình đào tạo trong giai đoạn đổi mới, hội nhập.

 Ngọc Hinh - Phú Quang 

 

 

05/10/2019 19:09:16 | Số lần xem: 6
5 phút