Hội thảo: "Nâng cao hiệu quả nghiên cứu lĩnh vực khoa học thực nghiệm"
Sáng ngày 14 tháng 5 năm 2020 khoa Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo: “Nâng cao hiệu quả nghiên cứu lĩnh vực khoa học thực nghiệm”.
Hội thảo đã thu hút hơn 50 đại biểu đến từ trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Tài nguyên và môi trường Hà Nội, GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô Hà Nội và các giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, khoa Sư phạm.
Phát biểu tại Hội thảo, GS. TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã đánh giá công tác nghiên cứu khoa học thực nghiệm của khoa Công nghệ thông tin trong thời gian qua đồng thời đề cập một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.
PGS.TS. Vũ Quốc Trung phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo được nghe các báo cáo về lĩnh vực nghiên cứu khoa học thực nghiệm của các nhà khoa học, các giảng viên. Cụ thể, báo cáo của PGS.TS. Phạm Văn Hoan, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã khẳng định kết quả nghiên cứu ứng dụng của khoa trong thời gian qua và chỉ ra 8 giải pháp đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới. Báo cáo của PGS. TS. Vũ Quốc Trung, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề cập vấn đề xây dựng dự án nghiên cứu ứng dụng thông qua dự án nghiên cứu sản xuất sản phẩm hỗ trợ bệnh nhân từ cây Râu mèo. Dự án đã được đầu tư gần 4 tỷ đồng để nghiên cứu nhằm chế tạo nhiều dược phẩm chức năng hỗ trợ các bệnh nhân tiểu đường, sỏi thận, chống ung thư, điều trị cao huyết áp, … Báo cáo khẳng định từ cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu thốn của một trường đại học sư phạm nhưng nhóm nghiên cứu đã phối hợp với các cơ quan viên nghiên cứu khác để chiết suất, làm giàu nhiều chất có tác dụng điều trị các bệnh nói trên. Thông qua 20 nội dung nghiên cứu của đề tài nhiều doanh nghiệp đã cấp kinh phí và mua bản quyền sản xuất các thực phẩm chức năng khi đề tài được nghiệm thu, …
Sau một thời gian trao đổi, thảo luận sôi nổi với 6 báo cáo của các nhà khoa học trong và ngoài trường, Hội thảo đã chỉ ra phương hướng nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng phải có lộ trình và bắt đầu bằng nghiên cứu cơ bản tại các phòng thí nghiệm. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc định hướng và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng của khoa trong thời gian tới.
Bùi Thị Phương Thúy - Khoa Khoa học Tự nhiên và công nghệ