Tọa đàm: “Sáng tác, phê bình văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay – Khuynh hướng, thành tựu, triển vọng”

Đây là diễn đàn học thuật nhằm nhận diện, đánh giá những xu hướng sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học đương đại, đồng thời tạo cơ hội trao đổi chuyên sâu giữa các chuyên gia, giảng viên và sinh viên.

Sáng ngày 25/3, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Sáng tác, phê bình văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI đến nay – Khuynh hướng, thành tựu, triển vọng”. Đây là diễn đàn học thuật nhằm nhận diện, đánh giá những xu hướng sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học đương đại, đồng thời tạo cơ hội trao đổi chuyên sâu giữa các chuyên gia, giảng viên và sinh viên.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều học giả, nhà văn, nhà phê bình uy tín, trong đó có nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Trưởng phòng Văn học so sánh, Viện Văn học, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Hà Nội;  PGS.TS Ngô Văn Giá, nguyên Chủ nhiệm Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và nhà văn Nguyễn Việt Hà; TS. Nguyễn Huy Bỉnh, Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Văn học.

Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, tham dự buổi tọa đàm có TS. Bùi Quốc Hoàn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS Vũ Công Hảo, Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, khoa Sư phạm. 

PGS.TS Vũ Công Hảo, Trưởng khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã chia sẻ những góc nhìn sắc sảo về sự vận động của văn học Việt Nam trong hơn hai thập niên qua, đặc biệt là những thách thức và cơ hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nguyên Trưởng phòng Văn học so sánh, Viện Văn học, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Hà Nội

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh sự thay đổi của các khuynh hướng sáng tác, từ những ảnh hưởng hậu hiện đại đến dòng văn học mang tính cá nhân hóa mạnh mẽ. PGS.TS Ngô Văn Giá đặt vấn đề về giáo dục văn học trong nhà trường, đặc biệt là cách tiếp cận và đánh giá tác phẩm văn chương trong các kỳ thi quan trọng. Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Việt Hà chia sẻ về vai trò của Hà Nội trong sáng tác của ông cũng như sự thay đổi của đời sống đô thị tác động đến văn học.

Ngoài phần trao đổi giữa các khách mời, tọa đàm còn thu hút sự quan tâm của giảng viên, sinh viên ngành Văn học với nhiều câu hỏi sâu sắc về xu hướng sáng tác trẻ, văn hóa đọc và sự tác động của công nghệ đến đời sống văn chương.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ sự kiện, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu và đào tạo với Viện Văn học. Đây được xem là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy văn học tại Nhà trường.

Buổi tọa đàm khép lại trong không khí trao đổi sôi nổi, mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới và góp phần thúc đẩy sự phát triển của việc dạy và học văn học Việt Nam trong thời gian tới.

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

26/03/2025 14:51:37 | Số lần xem: 81
3 phút