Giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp

Làm thế nào để nâng cao hiệu quả liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đang là một thách thức.

Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là xu hướng và cầu nối quan trọng trong việc đảm bảo, nâng cao chất lượng đào sinh viên, đồng thời là cách thức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội hiện đang đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, sinh viên được đào tạo sát với thực tế nghề nghiệp và có nhiều cơ hội tiếp cận doanh nghiệp tuyển dụng. Tuy vậy, làm thế nào để nâng cao hiệu quả liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp là một thách thức.

Trước thực trạng này, ngày 28 tháng 5, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp”. Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, có sự tham gia cuả PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Đặng Văn Soa, Phó Hiệu trưởng cùng cán bộ, giảng viên trong trường.

Hội thảo diễn ra dưới hình thức trực tuyến

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận thực trạng hoạt động liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; trao đổi giải pháp nhằm thúc đẩy sự liên kết hiệu quả, bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển thương hiệu của nhà trường và doanh nghiệp. Trong đó tập trung vào việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các phòng ban chức năng và khoa đào tạo và mối quan hệ với doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động của các trung tâm giới thiệu việc làm, hợp tác doanh nghiệp cho sinh viên. Vấn đề về khai thác nguồn tài trợ của doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Ở góc độ cơ sở đào tạo, TS. Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Văn hoá – Du lịch đề xuất, để nâng cao hiệu quả liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp thì cần xác định việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp là nhiệm vụ chung trong chiến lược phát triển của Nhà trường, các đơn vị chức năng trong trường cùng phải có trách nhiệm, đây không chỉ là việc riêng của khoa đào tạo. Trường hoặc khoa đào tạo cần có bộ phận độc lập, làm chức năng nhiệm vụ kết nối với các doanh nghiệp, duy trì mối quan hệ với các doanh nghiệp, kết nối việc làm cho sinh viên. Nhà trường cần chủ động tiếp cận với doanh nghiệp ở mọi thời điểm, cho sinh viên tích cực tham gia các hoạt động do doanh nghiệp tổ chức. Tăng cường giao lưu giữa các câu lạc bộ trong trường với các doanh nghiệp, tham gia các liên hoan sự kiện của ngành để gắn kết sinh viên với doanh nghiệp. Thường xuyên lặng nghe phản hồi từ phía doanh nghiệp để cập nhật chương trình đào tạo, đối mới phương pháp giảng dạy, đảm bảo tăng cường thời lượng thực hành, thực tập theo cơ cấu 50-50, cung cấp cho người học cơ hội được tiếp xúc sớm với ngành nghề mình lựa chọn. Chú trọng đào tạo kỹ năng và thái độ, rèn luyện tính kỷ luật và tác phong làm việc nghiêm túc ( đây vốn là những điểm yếu của sinh viên mới tốt nghiệp ra trường). Từ việc đánh giá của các nhà sử dụng lao động cần điều chỉnh kịp thời các nội dung có liên quan. Quan tâm, trang bị ngoại ngữ và công nghệ thông tin để người học có khả năng thích ứng ngay với công việc tại doanh nghiệp. Giao quyền tự chủ cho các khoa đào tạo trong việc chủ động liên kết trong đào tạo song song với được tự chủ nguồn tài chính trong công tác liên kết. Cần có hướng dẫn cụ thể trong công tác tài chính khi giao về cho các khoa. Việc chi trả tiền cho doanh nghiệp, cho các chuyên gia giảng dạy cần kịp thời, có tính động viên khích lệ người lao động. Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài, các cơ sở đào tạo ở nước ngoài để giúp cho sinh viên có thêm cơ hội học tập và thực tập ở nước ngoài. Tiến tới xây dựng mô hình doanh nghiệp trong nhà trường để nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo.

Để có nguồn tài chính thực hiện hoạt động này, ThS. Nguyễn Minh Tuấn, Phòng Nhân sự - Kế hoạch và tài chính cho rằng, Nhà trường cần thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục  bằng việc liên kết về tài chính và cơ sở vật chất. Nguồn tài chính của Nhà trường phần lớn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước và học phí. Cả 2 nguồn vốn này về cơ bản chỉ đủ cho Nhà trường duy trì các hoạt động đào tạo. Do đó Nhà trường muốn có nguồn lực tài chính mạnh hơn cần phải thực hiện tốt công tác xã hội hóa dựa vào doanh nghiệp và nhà tài trợ dưới các hình thức: Học bổng cho sinh giỏi hoặc sinh viên nghèo vượt khó, cung cấp nguồn nhân lực từ doanh nghiệp cho công tác giảng dạy, hợp đồng nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Đây là hình thức hợp tác cao nhất giữa Nhà trường và doanh nghiệp. Làm tốt điều này sẽ đem lại nguồn lực tài chính ổn định cho Nhà trường. Tăng cường mối quan hệ giữa cựu sinh viên  với Nhà trường, tạo cơ chế để những cựu sinh viên đang làm việc tại các doanh nghiệp liên hệ thường xuyên với Nhà trường. Đây là cầu nối vững chắc giữa Nhà trường và doanh nghiệp, mang lại hiệu quả và thiết thực.

Để tăng hiệu quả liên kết, về phía các doanh nghiệp cần có chiến lược “nuôi dưỡng”, “ươm mầm” tài năng tại các trường đại học bằng các hình thức cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài chính, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp; đặt hàng cơ sở đào tạo giải quyết những vấn đề cần thiết mà doanh nghiệp đang và sẽ có nhu cầu. Doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực cho nhà trường bằng việc thành lập các công ty, khu công nghệ, trang thiết bị cho phòng thực hành, thí nghiệm, giảng đường phục vụ giảng dạy và học tập. Gắn kết chặt chẽ với nhà trường trong việc tham gia đào tạo; góp ý về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình; sử dụng nguồn nhân lực sau khi tốt nghiệp phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, đem lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sẽ cử các chuyên gia, kỹ sư tham gia trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn thực hành tại nhà trường hoặc tại doanh nghiệp. Tạo điều kiện tiếp nhận các giảng viên, cán bộ quản lý đến doanh nghiệp học tập, học hỏi kinh nghiệm hoặc trao đổi những vướng mắc giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tế.

Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, khẩn trương, hiệu quả, Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp” của Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội thảo chính là diễn đàn nhằm tham khảo ý kiến, giải pháp từ nhiều khía cạnh khác nhau, từ phía đơn vị đào tạo, góc nhìn của nhà quản lý doanh nghiệp, góc nhìn của đơn vị quản lý, phòng ban chức năng nhằm triển khai có hiệu quả mối quan hệ và hợp tác giữa các bên.

Ngọc Hinh

 

 

 

 

28/05/2021 17:18:20 | Số lần xem: 25
7 phút