Vấn đề giáo dục liên văn hoá trong bối cảnh hội nhập
Ngày 7/12 tại Hà Nội, Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội phối hợp Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế và 7 đối tác trong nước, quốc tế tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa và Giáo dục lần thứ V ICCE 2024 với chủ đề: “Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập”.
Hội thảo thu hút sự quan tâm lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế như Pháp, Nhật Bản, Thái Lan... Bằng 3 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh), Hội thảo tập trung vào các chủ đề liên quan đến giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập. Các bài tham luận về những thách thức và cơ hội của giáo dục liên văn hóa trong ASEAN, sự thích ứng văn hóa của Việt Nam trong toàn cầu hóa, vai trò của giáo dục liên văn hóa trong các lĩnh vực như nghệ thuật, ngôn ngữ…
Phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa, con người
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phát triển văn hóa và giáo dục liên văn hóa không còn là nhiệm vụ riêng của bất cứ quốc gia nào mà là nhiệm vụ chung của đại đồng các dân tộc trên thế giới.
PGS.TS. Đỗ Hồng Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội khai mạc Hội
Theo Hiệu trưởng Đỗ Hồng Cường, trong những năm qua, thực hiện sứ mệnh của mình, Đại học Thủ đô Hà Nội đã không ngừng nỗ lực để tạo ra một môi trường học tập thân thiện và đa dạng, nơi mà sinh viên có thể tiếp cận những kiến thức mới mẻ, hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau, và phát triển kỹ cần thiết để hội nhập vào xã hội toàn cầu.
Với sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín trong và ngoài nước, PGS.TS. Đỗ Hồng Cường tin tưởng, Hội thảo sẽ mang lại nhiều kiến thức và kinh nghiệm hữu ích, góp phần thúc đẩy giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế - đơn vị đồng chủ trì tổ chức Hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế - đơn vị đồng chủ trì tổ chức Hội thảo cho rằng, trong tiến trình phát triển chung của nhân loại, sự tương tác giữa các nền văn hóa là không thể tránh khỏi. Chính quá trình đó đã làm đào thải đi những giá trị không còn phù hợp nhưng bằng một cách nào đó, cũng chính quá trình này lại thúc đẩy đối thoại và tương tác giữa các nền văn hoá để tạo ra những giá trị mới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
“Đối với Việt Nam, trong quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi đất nước bước vào “kỉ nguyên vươn mình của dân tộc”, văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, là giá trị bản ngã để khẳng định một dân tộc Việt Nam hùng cường sánh vai với bè bạn năm châu.
Do vậy, việc bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc trên nền tảng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, cũng như cùng tồn tại trong sự tôn trọng sự khác biệt của các nền văn hóa không chỉ đặt lên vai của những người làm công tác văn hóa mà của chính những nhà khoa học, nhà giáo dục của các trường đại học, nhất là của các trường sư phạm...”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu dề dẫn Hội thảo, PGS.TS Trần Huyền Sâm, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế nhấn mạnh, giao thoa, tương tác, ảnh hưởng giữa các nền văn hóa khác nhau là một sự thật tất yếu, không thể cưỡng lại của lịch sử loài người.
PGS.TS Trần Huyền Sâm, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế báo cáo đề dẫn tại Hội thảo
Theo đó, đối thoại văn hóa sẽ mang đến sự thông hiểu và hòa hợp giữa các nền văn hóa: vừa tiếp thu bản sắc văn hóa của các lãnh thổ khác nhau nhưng không đánh mất bản thể riêng của mỗi vùng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Giáo dục liên văn hóa sẽ giúp hướng đến một viễn cảnh toàn cầu hóa: đa dạng, tương tác, bình đẳng và tôn trọng sự khác biệt giữa các nền văn hóa.
Bản sắc truyền thống và quá trình hội nhập
Hội thảo khoa học quốc tế Văn hóa và Giáo dục lần thứ V ICCE 2024 với chủ đề “Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn chia sẻ những kiến thức về giáo dục liên văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trên cơ sở đó, tìm kiếm những giải pháp tích cực trong giáo dục để vừa phát huy giá trị dân tộc, vừa tiếp nhận các bản sắc văn hóa khác nhau trên thế giới.
Theo PGS.TS Trần Huyền Sâm, Hội thảo sẽ là cơ hội thuận lợi để các nhà khoa học Việt Nam và thế giới trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.
Hội thảo đã thu hút 150 tham luận, bao gồm các học giả, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh đến từ Việt Nam và các quốc gia khác nhau trên thế giới. Các tham luận đã bộc lộ sự quan tâm đặc biệt về phạm trù liên văn hoá, nhiều nội dung liên quan đến chủ đề giáo dục liên văn hoá trong bối cảnh hội nhập đã được các tác giả lý giải một cách thấu đáo, dưới những góc nhìn khác nhau.
Từ 150 tham luận, BTC đã tuyển chọn 83 tham luận và phân thành các nhóm sau: Những vấn đề chung về triết học liên văn hoá; Liên văn hóa và vấn đề địa chính trị; Liên văn hóa và lĩnh vực giáo dục; Liên văn hoá và lĩnh vực văn học - nghệ thuật.
Hội thảo diễn ra phiên toàn thể và các phiên chuyên đề với 6 tiểu ban: những vấn đề chung về liên văn hóa; giáo dục và các phạm trù liên văn hóa; giáo dục liên văn hóa trong môi trường đại học; giáo dục liên văn hóa trong môi trường giáo dục phổ thông; liên văn hóa và vấn đề địa chính trị; liên văn hóa với lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Tại Phiên toàn thể, các chuyên gia, diễn giả đã trình bày nhiều tham luận, góc nhìn sắc bén với trục trung tâm là chủ đề hội thảo đặt ra: “Giáo dục liên văn hóa trong bối cảnh hội nhập”.
Khái quát về triết học liên văn hóa, GS. Thái Kim Lan (Trung tâm Liên văn hóa, Bạch Đằng, Thừa Thiên Huế) cho rằng, “văn hoá” là một mảnh đất màu mỡ rộng lớn bao trùm trái đất, và hầu như đặc tính của nó là số nhiều, biến hoá, biến đổi, cho nên không có một nền văn hoá duy nhất vĩnh viễn ngự trị, cũng không thể có một triết học vĩnh cửu vượt thời gian.
GS. Jean Noriyuki NISHIYAMA (Đại học Kyoto, Nhật Bản) chia sẻ nhiều câu chuyện, thông điệp thiết thực qua tham luận “Sự phát triển của chủ nghĩa liên văn hóa ở Nhật Bản: Quan niệm và thực tế”. Theo GS. Jean Noriyuki NISHIYAMA, khái niệm liên văn hóa được du nhập từ Mỹ vào những năm 1960, mới chỉ được khai thác trong bối cảnh giảng dạy tiếng Anh, ở khía cạnh giao tiếp liên văn hóa.
Trên thực tế, mối quan tâm mang tính khoa học và sư phạm của giáo viên tiếng Anh Nhật Bản đối với giao tiếp liên văn hóa tập trung chủ yếu vào những hiểu lầm trong giao tiếp giữa hai cộng đồng: theo sự phát triển kinh tế của đất nước, các cuộc gặp gỡ ngày càng nhiều giữa người Nhật và người Mỹ trên thực tế đã bộc lộ những khó khăn trong việc hiểu lẫn nhau.
Do đó, giáo dục quan tâm đến việc giao tiếp liên văn hóa tốt hơn trong các lớp học ngôn ngữ. Cùng với việc mở rộng các nghiên cứu về giao tiếp liên văn hóa, các hiện tượng xã hội, có khả năng được giải quyết trong khuôn khổ nghiên cứu liên văn hóa, đang nổi lên mà các tác nhân không nhận ra điều đó.
Các diễn giả tại Hội thảo
Các đơn vị đồng tổ chức Hội thảo
Trao cờ cho đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo ICCE 2025 - ĐH Sư phạm, Đại học Thái Nguyên
Những góc nhìn đa diện khác cũng đã được các diễn giả trình bày tại hội thảo như: Thúc đẩy giáo dục liên văn hóa qua việc chuẩn bị năng lực đa văn hóa cho giáo viên: Phân tích diễn ngôn chính sách ở Đông Nam Á (TS. Nannaphat Saenghong, Đại học Chiang Mai, Thái Lan); Giải quyết căng thẳng giữa bình đẳng và đa dạng trong giáo dục đa văn hóa dựa trên Công ước chống phân biệt đối xử trong giáo dục (TS. NAKOULMA Mariame Viviane, TS. Luật quốc tế và tốt nghiệp Khoa học về Chính trị); Tính liên văn hóa trong nghiên cứu tiếng Pháp và khối Pháp ngữ ở Việt Nam (Phan Thị Hoài Trang, giảng viên cao cấp, Đại học Jean Moulin Lyon 3, Pháp)…
Diễn đàn Hội thảo cũng đã đặt ra nhiều vấn đề, góc nhìn để các nhà khoa học, nhà quản lý và các chuyên gia giáo dục thảo luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về giáo dục liên văn hóa; việc phát huy giá trị văn hóa dân tộc; đồng thời tiếp nhận các bản sắc văn hóa khác nhau trên thế giới.