LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN TRƯỜNG ĐH THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Ngày 06/01/1959, trước yêu cầu đào tạo giáo viên của ngành Giáo dục Thủ đô sau ngày giải phóng, trường Sư phạm Trung, sơ cấp Hà Nội đã được thành lập. Mặc dù ra đời và hoạt động trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, song với sứ mệnh đào tạo giáo viên, phát triển giáo dục của Thủ đô, trường Sư phạm Trung, sơ cấp Hà Nội đã luôn thích ứng và có bước chuyển mình phù hợp, như việc tách thành hai trường: Trung học ư phạm Hà Nội và Sơ học Sư phạm Hà Nội; sau hai trường được đổi tên, thành Trường Sư phạm cấp II (10+3) Hà Nội và Trung học Sư phạm cấp I (10+2) Hà Nội, tạo nên những nền móng vững chắc cho sự lớn mạnh và trưởng hành của Nhà trường trong những chặng đường tiếp theo.

Lịch sử hình thành và phát triển của nhà trường gắn liền với sự nghiệp đấu tranh cách mạng cũng như phát triển của đất nước và Thủ đô và có thể được chia ra các giai đoạn chủ yếu sau đây:

Giai đoạn 1959 – 1960

Đây là năm học đầu tiên của Nhà trường, mặc dù vậy, quy mô đào tạo của trường đã khá lớn. Nhà trường đã tổ chức 05 lớp đào tạo giáo viên cấp I, hệ 7+1 và 05 lớp bồi dưỡng giáo viên cấp I toàn cấp, 02 lớp đào tạo giáo viên cấp II (01 lớp Tự nhiên, 01 lớp Xã hội), đầu vào là học sinh đã học xong lớp 10/10 phổ thông. 

Thời gian này, do trường chưa có địa điểm chính thức nên giáo sinh phải đi học nhờ ở các địa điểm: Số nhà 33 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm (nay là trường Tiểu học Trần Quốc Toản) và trường Bổ túc cán bộ thành phố (một phần của Tu viện Sainte Marie, nay là Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba, 37 phố Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm).

Giai đoạn 1960 – 1961

Bước vào năm học mới (1960 – 1961), trường dần dần đi vào thế ổn định và phát triển.
Trường có các tổ chuyên môn sau:
Tổ Văn do nhà giáo Nguyễn Đình An làm Tổ trưởng.
Tổ Sử do nhà giáo Nguyễn Văn Uẩn làm Tổ trưởng.
Tổ Địa do nhà giáo Trịnh Huy Chiểu làm Tổ trưởng.
Tổ Chính trị do nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh làm Tổ trưởng.
Tổ Tâm lí – Giáo dục do nhà giáo Phạm Hữu Bình làm Tổ trưởng.
Tổ Toán do nhà giáo Nguyễn Quang Biên làm Tổ trưởng.
Tổ Lí do nhà giáo Hoàng Xuân Hoài làm Tổ trưởng.
Tổ Hóa do nhà giáo Phạm Kim Bảng làm Tổ trưởng.
Tổ Sinh do nhà giáo Trịnh Đức Cường làm Tổ trưởng.
Ngoài ra, còn có các tổ Thể mĩ, Nữ công và các bộ phận phục vụ như Hành chính, Thư viện, Giáo vụ… với tổng biên chế nhà trường là gần 100 người. Sở Giáo dục Hà Nội đã ưu tiên dành cho Trường cơ sở
số 67, phố Cửa Bắc, quận Ba Đình (nay là trường THPT Phan Đình Phùng), một cơ ngơi khang trang có đủ phòng học và nơi ở cho hàng trăm cán bộ, giáo viên và giáo sinh. Đó là địa chỉ chính thức đầu tiên của Trường.
Đồng thời, Sở Giáo dục Hà Nội cũng quyết định lấy Trường cấp II Nguyễn Trãi (sau là Trường cấp I, II Nguyễn Trãi) làm trường thực hành cho trường Sư phạm Trung, sơ cấp Hà Nội. Đồng chí Hiệu trưởng trường Nguyễn Trãi đã tham gia Ban Giám hiệu của trường và tất cả giáo viên cấp I, II của trường Nguyễn Trãi đều nằm trong biên chế của trường Sư phạm. Bắt đầu từ năm học 1960 – 1961, bên cạnh những lớp đào tạo giáo viên cấp I hệ 7+1, trường đã mở 04 lớp đào tạo giáo viên cấp II hệ 7+2 gồm 200 giáo sinh chia làm 4 ban: Văn – Sử, Văn – Địa, Toán – Lí, Toán – Sinh. Toàn khóa được đào tạo theo chương trình chính quy của Vụ Sư phạm.


Giai đoạn 1961 – 1965
* Năm học 1961 – 1962, số giáo sinh của trường đã nâng lên 400 người và được chia
thành 9 lớp, trong đó có:

– 2 lớp Văn – Sử;
– 2 lớp Văn – Địa;
– 2 lớp Toán – Lí;
– 3 lớp Toán – Sinh.


* Năm học 1962 – 1963

Trường đã xin phép Bộ Giáo dục cho đào tạo thí điểm giáo viên cấp II hệ 10+1 với đầu vào là học sinh tốt nghiệp lớp 10 phổ thông (hệ phổ thông 10 năm). Số lượng đào tạo khóa đầu
là 150 giáo sinh được chia làm ba ban: Văn – Sử, Toán – Lí, Hóa – Sinh – Địa. Cùng với việc đào tạo chính quy, bắt đầu từ năm học này, lần đầu tiên, Trường mở hệ đào tạo giáo viên cấp II tại chức hệ 7+2 cho các giáo viên cấp I lên trình độ Sư phạm trung cấp. Ngoài ra, Trường còn mở 2 lớp bồi dưỡng Hiệu trưởng cấp I có trình độ tương đương giáo viên cấp II. Kết thúc năm học 1962 – 1963, Trường chấm dứt tuyển sinh cho hệ đào tạo 7+2, chuyển hoàn toàn sang hệ đào tạo 10+1. Trong thời gian này, Trường đã tổ chức được các
phong trào nổi bật sau:
Phong trào thanh niên xung phong tình nguyện phục vụ miền núi (8/1962), Phong trào gắn nhà trường với lao động sản xuất:
– Các lớp Tự nhiên ở Đoạn toa xe Hà Nội;
– Các lớp Xã hội ở hợp tác xã Tứ Liên, huyện Từ Liêm (nay phường Tứ Liên thuộc quận
Tây Hồ).
Trường đã được Bộ Giáo dục công nhận là một trong hai trường sư phạm tiên tiến xuất sắc 
của cả nước (Trường Sư phạm Trung, sơ cấp Hà Nội và Trường Sư phạm cấp II Hưng Yên).

* Năm học 1963 – 1964

Trường chuyển địa điểm đến số 10 đường Thụy Khuê (trong khuôn viên của trường Phổ thông cấp 3 Chu Văn An, cơ sở cũ của trường Bổ túc văn hóa công nông Hà Nội). Tại đây, trường đã xây dựng được một ngôi trường sư phạm lí tưởng với cảnh quan đẹp và đủ cơ sở vật chất để tổ chức các hoạt động dạy, học và vui chơi giải trí. Trong năm học này, Trường có 9 lớp đào tạo hệ 10+1 với khoảng 300 giáo sinh. Ngoài ra, trường còn có 2 lớp bồi dưỡng tập trung hệ Trung cấp Sư phạm cho gần 100 giáo viên cấp II đã có một số năm giảng dạy, nhưng chưa được công nhận là giáo viên toàn cấp. Cũng trong năm học này, Trường tiếp thu cơ sở trồng trọt và chăn nuôi của trường Bổ túc văn hóa công nông (vừa mới giải thể) để làm cơ sở lao động sản xuất. Cứ 03 tuần một lần, thầy và trò lại đi xe lửa lên ga Bạch Hạc (Phú Thọ), sau đó vượt sông, đi bộ qua Bến Then về thôn Cầu Gạo thuộc xã Tân Lập, huyện Lập Thạch (nay thuộc huyện Sông Lô), tỉnh Vĩnh Phúc để trực tiếp lao động sản xuất. Đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện giúp Nhà trường gắn liền giáo dục với hoạt động thực tiễn.

* Năm học 1964 – 1965

Năm học 1964 – 1965 là năm ngành Giáo dục đang chuẩn bị nội dung chương trình, sách giáo khoa và quy hoạch, đầu tư, nâng cấp hệ thống các trường sư phạm. Đồng thời theo Chỉ thị 88/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục đã chỉ đạo các trường Sư phạm chuyển hướng đào tạo như sau: Các trường Sư phạm cấp II có thể tuyển đầu vào là học sinh đã học xong lớp 10 để đào tạo hệ 10+2 và coi đây là hệ đào tạo giáo viên toàn cấp. Theo tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 1965, Trường thực hiện chủ trương nâng cấp hệ đào tạo: chấm dứt việc đào tạo giáo viên cấp II hệ 10+1 chuyển sang đào tạo giáo viên cấp II hệ 10+2. Nhà trường đã tuyển một số lớp 10+2 gồm các ban: Văn – Sử, Toán – Lí, Hoá – Sinh – Địa và đưa lên địa điểm sơ tán. Có thể nói đây là lực lượng bổ sung quan trọng trong công cuộc xây dựng và đào tạo thời chiến. Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, nhiều thầy giáo và giáo sinh của Trường đã lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam (lúc đó gọi là chiến trường B). Các thầy Nguyễn Doãn Hào (Vật lí), Nguyễn Thanh Kỳ (Kĩ thuật nông nghiệp), Lê Trung Bách (Toán), Nguyễn Trọng Vĩnh (Chính trị), Vũ Trọng Thanh (Thể dục), Nguyễn Văn An (Ngữ văn) đã xếp bút nghiên lên đường, trong đó, thầy Nguyễn Doãn Hào đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.

Giai đoạn 1965 – 1969
* Hoạt động giảng dạy

Phấn đấu để đạt 4 tính, 1 kế hoạch: tính tư tưởng, tính khoa học, tính thực tiễn, tính sư phạm và kế hoạch hiệp đồng. Có thể hiểu kế hoạch hiệp đồng là mối quan hệ liên môn, là sự phối hợp giữa chính khóa với ngoại khóa, giữa học tập với lao động sản xuất…

* Cải tiến nội dung và phương pháp dạy học

Lấy chương trình đào tạo hệ 10+2 làm cơ sở, tham khảo giáo trình đại học, kết hợp với yêu cầu giảng dạy ở cấp II để tổ chức biên soạn giáo trình. Tiêu chuẩn giáo trình của hệ 10+2 là:
Tiếp cận với chương trình đại học, tương đương với đại học, mang tính chất đại học.
Là cơ sở rèn luyện phương pháp tư duy khoa học, kích thích khả năng độc lập suy nghĩ và hiệu quả tự học của giáo sinh.
Có tác dụng thiết thực với chương trình cấp II.
Trên cơ sở của giáo trình đã biên soạn, thực hiện phương pháp
3 tốt, 3 sâu, 3 giỏi và 2 khoa học. Cụ thể: 3 tốt (nghe tốt, ghi tốt, liên hệ phát triển tốt); 3 sâu (chỉnh bài kĩ, học bài sâu, ghi nhớ lâu); 3 giỏi (kĩ năng thực hành giỏi, giảng dạy giỏi, nghiên cứu khoa học giỏi) và 2 khoa học: kế hoạch khoa học, làm việc khoa học.

* Nghiên cứu khoa học

Nội dung nghiên cứu khoa học hàng năm tập trung vào nhiều vấn đề, lĩnh vực như: Khoa học cơ bản, khoa học giáo dục, xây dựng trường sở, dân vận, phòng không…, nhưng nhìn chung đều hướng vào mục tiêu đào tạo, trong đó nghiên cứu khoa học giáo dục là trọng tâm. Trong số trên dưới 50 đề tài khoa học mỗi năm thì số đề tài về khoa học giáo dục chiếm tỉ lệ từ 50% đến 60%.

* Rèn luyện nghiệp vụ và công tác thực tập sư phạm

Với định chế tuần làm việc 6 ngày, Trường chỉ tổ chức học trên lớp 5 ngày, dành riêng ngày thứ Năm cho hoạt động nghiệp vụ, với các nội dung như:
– Xuống trường phổ thông tìm hiểu thực tế.
– Tổ chức các hoạt động luyện nói: Sửa ngọng, sửa nói lắp…
– Tập viết bảng, tập tư thế tác phong trên bục giảng…
Tổ chức thực tập sư phạm theo hình thức mới, thay đoàn thực tập sư phạm ghép ban đào tạo bằng đoàn thực tập sư phạm theo lớp, do giáo viên chủ nhiệm lớp làm trưởng đoàn. Nội dung thực tập gồm: Thực tập giảng dạy, Thực tập công tác Chủ nhiệm và công tác Đội, Thực tập công tác phòng không, Thực tập công tác vận động quần chúng, Thực tập nghiên cứu khoa học, trong đó, “Công tác phòng không là hàng đầu, Công tác quần chúng đi trước một bước, Thực tập giảng dạy và Chủ nhiệm là trung tâm, Thực tập nghiên cứu khoa học là con đường tiếp cận đại học”.


Giai đoạn 1970 – 1978
* Công tác chuyên môn

Tới đầu năm học 1971 – 1972, đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường có thể chia từ ba nguồn:
– Cán bộ đã có nhiều năm công tác, giảng dạy trường Trung cấp Sư phạm Hà Nội;
– Một số vừa hoàn thành bồi dưỡng 2 năm ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội I
– Vốn là giáo viên phổ thông cấp 3 lâu năm của Hà Nội.
Để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ giảng dạy hiện có, nhà trường đã thực hiện một số biện pháp sau:
– Cử giáo viên đi đào tạo trên đại học ở nước ngoài. Tuy nhiên trong 5 năm (1970 – 1975) nhà trường chỉ cử được 01 cán bộ giảng dạy thuộc khoa Tự nhiên (vì chỉ tiêu có hạn của thành phố dành cho trường).
– Cử hơn 10 giáo viên đi học nghiên cứu sinh và bồi dưỡng chuyên đề tại các trường Đại học Sư phạm Hà Nội I, Đại học Tổng hợp Hà Nội và một số Viện nghiên cứu khoa học.
– Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng: Nhà trường mở các lớp học ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Nga, Hán Nôm, Tâm lí học, Giáo dục học, Phương pháp dạy học…

Một số tổ chuyên môn có nhiều phân môn được chia thành các tổ chuyên môn sâu hơn:
– Tổ Văn tách thành 3 tổ: Tổ Văn học Việt Nam; Tổ Ngôn ngữ; Tổ Lí luận văn học và Văn học nước ngoài
– Tổ Toán phân thành 2 tổ: Tổ Toán 1; Tổ Toán 2.
– Tổ Sinh cũng chia thành 2 tổ: Tổ Thực vật, Tổ Động vật.
Tất cả các cán bộ giảng dạy chưa có bằng đại học 4 năm đều phải học các lớp bồi dưỡng để thi lấy bằng Đại học Sư phạm 4 năm. Từ năm học 1971 – 1972, đội ngũ cán bộ giảng dạy về cơ bản tạm đủ về số lượng để cố định phân môn giảng dạy theo chuyên ngành. Nhờ vậy, giảng viên yên tâm tập trung chuyên môn, bước đầu có kế hoạch biên soạn tài liệu giảng dạy từ thấp đến cao (đề cương chi tiết bài giảng, giáo trình sơ thảo…), chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho công tác nghiên cứu khoa học. Một số tài liệu tham khảo do các cán bộ giảng dạy nhà trường biên soạn không chỉ giúp giáo sinh học tập dễ dàng hơn, mà còn chi viện kịp thời cho một số trường Sư phạm (Trung cấp, 10+3, Cao đẳng Sư phạm) trong cả nước. Việc đổi mới phương pháp dạy học cũng được chú trọng. Đổi mới phương pháp dạy học để biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo chính là sự thay đổi về chất của bậc đại học so với bậc trung cấp.

* Xây dựng cơ sở vật chất

Về pháp lí, Nhà trường chưa được Bộ Giáo dục cho hưởng quy chế của một trường đại học, do đó việc tạo dựng một cơ sở vật chất cần thiết ở nhà trường là một quá trình phấn đấu lâu dài, gian khổ. Trong năm học 1967 – 1968, Nhà trường phân tán thành nhiều bộ phận ở cách xa nhau như: 10+3 Văn Sử ở Thái Bình, 10+3 Tự nhiên ở Hà Tây, 10+2 ở Phúc Thọ; đến năm học 1968 – 1969 mới hợp nhất về Hà Nội (xã Minh Khai, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm). Đến năm học 1969 – 1970, địa điểm của trường tập trung ở Dịch Vọng và số 67, phố Cửa Bắc. Tháng 4 năm 1972, Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, đại bộ phận trường lại sơ tán lên xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây cho đến sau Hiệp định Pari (tháng 1/1973), trường mới về lại địa điểm chính thức ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ủy ban Hành chính Thành phố đã cấp cho trường 2 ha và kinh phí xây dựng tạm thời, chuẩn bị cho việc xây dựng trường kiên cố.

* Tổ chức dạy học gắn liền với thực tế cuộc sống

Tổ Địa lí định kì đưa giáo sinh đi thực tế nhiều địa phương ở miền Bắc; điều tra các vùng đất xung quanh Hà Nội; hoàn thành công trình Địa lí địa phương Hà Nội. Tổ Sử tổ chức tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử: Cổ Loa, Côn Sơn, Đền Hùng, Bạch Đằng…
Tổ Hóa đưa giáo sinh đi tham quan nhà máy hóa chất Việt Trì, Lâm Thao.
Tổ Sinh: Tham quan rừng Cúc Phương, thảm thực vật Quảng Ninh, Sông Bôi, Lạng Sơn…

Tổ Toán: Bước đầu chương trình hóa rèn luyện kĩ năng nghiệp vụ.
Tổ Lý: Tham quan một số nhà máy, sắp xếp lại phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy khoa học cơ bản và phương pháp giảng dạy bộ môn. 

Tổ Ngôn ngữ: Tiến hành điều tra việc phát âm và sửa ngọng “l” – “n” cho học sinh ngoại thành.

Tổ Văn học Việt Nam: Tổ chức các buổi nói chuyện văn học, các buổi giao lưu, gặp gỡ với các văn nghệ sĩ: Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Xuân Diệu…
Tổ Lí luận văn học và Văn học nước ngoài: Tổ chức xem phim chuyển thể tác phẩm văn học nước ngoài.
Tổ Chính trị: Thường xuyên tổ chức nói chuyện thời sự, đưa giáo sinh thâm nhập thực tế các hợp tác xã nông nghiệp, nhà máy…
Tổ Tâm lí – Giáo dục: Xây dựng các văn bản hướng dẫn giáo sinh thực tập sư phạm, rèn luyện nghiệp vụ…
Tổ Nhạc: Tham gia các hội diễn, liên hoan văn nghệ của trường, Sở Giáo dục, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Thầy giáo, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ – Tổ trưởng Bộ môn Âm nhạc sáng tác hợp xướng: Dưới ánh sáng Lê nin, Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu; cùng nhạc sĩ Xuân Oanh viết bài hát Khi ta nghe tiếng Hà Nội…
Tổ Họa: Vẽ nhiều áp phích tranh cổ động, trang trí phục vụ các ngày lễ lớn của trường.

Tổ trưởng Bộ môn Họa Nguyễn Hồng Ngọc sáng tác tượng Lí Tự Trọng; Bác Hồ với thiếu nhi ở sân Cơ sở 1; phù điêu trước Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tổ Thể dục: Tham gia dự thi các giải điền kinh, cầu lông, bóng chuyền, bóng bàn, đồng diễn thể dục…; giúp đỡ một số trường phổ thông cấp 2 đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao… Nhiều giáo sinh các lớp Nhạc và Thể dục giành được các giải thưởng trong các hội diễn văn nghệ và thi đấu thể thao các cấp.

* Công tác nghiên cứu khoa học và hoạt động nghiệp vụ sư phạm 

Ngay từ những năm đầu tiên thực hiện nhiệm vụ đào tạo hệ Đại học Sư phạm cấp II, nhà trường đã chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng của hoạt động nghiệp vụ sư phạm nhằm đáp ứng với những yêu cầu, thay đổi về chất của bậc đại học. Khuynh hướng coi trọng kiến thức cơ bản, coi nhẹ nghiên cứu khoa học và nghiệp vụ cấp học dẫn đến tình trạng mất cân đối trong việc thực hiện phương châm biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo của nhà trường. Ở các tổ chuyên môn, việc phân công người dạy bộ môn phương pháp gặp không ít khó khăn. Tâm lí ngại dạy trong giáo viên và ngại học trong giáo sinh có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả đào tạo. Để khắc phục tình trạng này, Nhà trường đã có một số biện pháp kiên quyết chấn chỉnh như: Coi việc nghiên cứu khoa học và nâng cao hiệu quả giảng dạy là một tiêu chuẩn đánh giá thi đua quan trọng; dành cho các giáo viên giảng dạy bộ môn phương pháp một số điều kiện về giáo trình tài liệu, thời gian… nhất định. Nhờ sự chỉ đạo đúng đắn của nhà trường và sự nỗ lực của các tổ bộ môn, cho nên đến năm 1973, về cơ bản tình trạng trên đã chấm dứt. 

* Những thành tựu nổi bật

Từ năm học 1969 – 1970 đến năm học 1974 – 1975 là thời kì tương đối ổn định hệ đào tạo của Trường. Do đó, nhà trường có những điều kiện cần thiết để phát triển quy mô và chất lượng đào tạo giáo viên cấp II cho Thủ đô, tạo tiền đề quan trọng cho những bước phát triển tiếp theo. Sau 08 khoá thực hiện thí điểm đào tạo trình độ Đại học Sư phạm cấp II hệ 10+3, tổng số giáo viên cấp II mà trường đào tạo được lớn hơn cả tổng số giáo viên đã tốt nghiệp các hệ 7+2, 7+3, 10+1, 10+2 trước đây cộng lại. Con số 8 khóa là 2.403 người, còn cả 4 hệ trước đó chỉ là 2.336 người. Ngoài ra, Trường còn đào tạo giúp tỉnh Quảng Trị 30 giáo viên cấp II hệ 10+3 và 287 giáo viên Nhạc, Hoạ, Thể dục hệ Trung cấp cho Hà Nội. Sau ngày 30/4/1975, Bộ Giáo dục đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 08 năm đào tạo thí điểm Đại học Sư phạm hệ 10+3, chấm dứt vai trò lịch sử của nó và chỉ ra hướng phát triển mới là: 1) Đào tạo Đại học chuẩn: 4 năm/môn; Đào tạo Cao đẳng Sư phạm: 3 năm/2 môn

Từ năm 1975 đến năm 1978: Trường Sư phạm II (10+3) Hà Nội được thí điểm đào tạo hệ Cao đẳng Sư phạm. Cùng với các khoa cấp II của trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và Đại học Sư phạm Vinh, trường Sư phạm (10+3) Hà Nội là một trong ba cơ sở được Bộ Giáo dục cho phép đào tạo giáo viên cấp II theo chương trình hệ Cao đẳng. Ngày 31/03/1976, Bộ Giáo dục gửi Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội Chỉ thị số 764 về việc chuẩn bị công nhận tư cách pháp nhân cho trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Theo đó, Trường đã được Thành phố và Sở Giáo dục đầu tư kinh phí xây thêm một tòa nhà 4 tầng gồm 16 phòng học (n

20/03/2019 10:15:00 | Số lần xem: 2267
17 phút