Hội thảo khoa học "Xây dựng mô hình hệ sinh thái học tập, sáng tạo ở các cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội"
Chiều ngày 09/11/2023, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo “Xây dựng mô hình Hệ sinh thái học tập sáng tạo ở các cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Hội thảo thuộc Chương trình 1217-CTr-ĐHTĐN “Phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo ở các cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đây là một trong những nhiệm vụ trong Chương trình 07-CTr/TU của Thành uỷ giao cho Trường Đại học Thủ đô Hà Nội thực hiện.
Tham dự Hội thảo có các chuyên gia trong ngành giáo dục như : GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến (Học viện Quản lí giáo dục), GS.TS. Nguyễn Hữu Châu (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), GS.TS. Trần Trung (Học viện Dân tộc), GS.TS. Đặng Văn Soa (Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước ngành Vật lý), PGS.TS. Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), PGS.TS. Phạm Đức Quang (Đại học Sư phạm Hà Nội 2), PGS.TS. Nguyễn Văn Biên (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội); cùng đại diện các sở, ban, ngành của Hà Nội như: Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có TS.Đỗ Hồng Cường (Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch Hội đồng trường), PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền (Phó Bí thư Đảng uỷ - Hiệu trưởng), TS. Bùi Quốc Hoàn (Phó Hiệu trưởng), PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Sơn (Trưởng phòng Quản lý Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển, Trưởng ban chuyên môn Chương trình 1217) cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, các nhà khoa học, giảng viên, giáo viên phổ thông của một số trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
TS. Đỗ Hồng Cường Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Đỗ Hồng Cường Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết “Mục tiêu năm 2023, Chương trình 1217 hoàn thành việc nghiên cứu lý thuyết và xây dựng mô hình hệ sinh thái học tập sáng tạo ở các cấp học để xin ý kiến các chuyên gia và các bên liên quan, hoàn thiện mô hình làm cơ sở cho việc triển khai các bước tiếp theo, vì vậy Nhà trường tổ chức Hội thảo để công bố các kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 và xin ý kiến các chuyên gia về các vấn đề: Mô hình hệ sinh thái học tập sáng tạo; xiệc xác định các thành tố trong mô hình; mô hình hệ sinh thái học tập sáng tạo ở các cấp học; các yếu tố ảnh hưởng việc xây dựng và phát triển mô hình”.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Sơn, Trưởng ban Chuyên môn Chương trình 1217 cho biết, hướng tiếp cận nghiên cứu của Chương trình từ Hệ sinh thái học tập sáng tạo đến Giáo dục sáng tạo góp phần xây dựng Hà Nội – Thành phố sáng tạo. Chương trình sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là giai đoạn nghiên cứu xây dựng mô hình. Giai đoạn 2 nhằm nghiên cứu xây dựng thử nghiệm mô hình. Giai đoạn 3 sẽ thử nghiệm mô hình (ít nhất 7 mô hình) trên địa bàn nội thành và ngoại thành thành phố Hà Nội. Giai đoạn 1 đã được Nhà trường triển khai với 05 đề tài nghiên cứu có sản phẩm là mô hình khung lý thuyết hệ sinh thái học tập sáng tạo, mô hình các thành tố trong hệ sinh thái, bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá mức độ sáng tạo của Hệ sinh thái học tập sáng tạo; 09 bài công bố quốc tế và trong nước, 02 hội thảo khoa học, 15 seminar chuyên môn…
PGS. TS Nguyễn Thị Kim Sơn Trưởng Ban chuyên môn Chương trình
Kết quả của Chương trình 1217 được các chuyên gia đánh giá cao về cả chất lượng, hàm lượng khoa học và khối lượng công việc mà Ban Chuyên môn đã thực hiện trong giai đoạn 1 đồng thời đưa ra những đóng góp, gợi mở để Nhà trường triển khai tiếp trong giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của Chương trình. PGS.TS. Phạm Đức Quang chia sẻ “Giai đoạn tới, Nhà trường nên tổ chức thăm quan các mô hình thực tiễn đã triển khai để lựa chọn các yếu tố cần thiết đưa vào mô hình xây dựng cho Hà Nội”. GS.TS. Hoàng Yến đánh giá “ Sản phẩm của nhóm nghiên cứu đã giải quyết được phần lớn câu hỏi mà đề tài đưa ra” đồng thời gợi mở “Tính sáng tạo trong mô hình không chỉ tập trung người học mà cần chú ý đến yếu tố quan trọng khác là tạo ra môi trường sáng tạo”.
Các nhà khoa học tham gia và phát biểu tại Hội thảo
Kết quả nghiên cứu giai đoạn 1 của Chương trinh 1217 bước đầu đặt nền móng cho việc triển khai và xây dựng, thử nghiệm mô hình ở giai đoạn 2. Kết quả này cũng đồng thời khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội không ngừng được nâng cao, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ lớn hơn để phát triển Thủ đô và đất nước.
Ban chuyên môn Chương trình 1217