Đòn bẩy giúp khoa học và công nghệ Thủ đô phát triển
Hồng ngọc - TH Hà Nội
Khoa học và công nghệ phải trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Người dân mong muốn khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, những tồn tại cố hữu sẽ được khắc phục, hứa hẹn mang lại bứt phá của lĩnh vực này.
Luật công chức, viên chức quy định các trường đại học, viện nghiên cứu công lập không được phép thành lập doanh nghiệp. Nhưng trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đối với các trường đại học và viện nghiên cứu, nếu các đơn vị này có tài sản sở hữu trí tuệ thì hoàn toàn có thể được phép thành lập doanh nghiệp. Đồng nghĩa với đó là cán bộ giảng viên của các cơ sở đào tạo được phép làm chủ các doanh nghiệp đó.
PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Thủ Đô.
PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Thủ Đô chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng đây chính là điểm rất đổi mới. Cũng là một cái hành lang pháp lý để cho các kết quả nghiên cứu của các thầy cô trong trường đại học được đi ra thực tiễn nhanh hơn. Để giúp cho kết quả nghiên cứu đó thành những sản phẩm trong thực tiễn phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của Hà Nội và của Việt Nam".
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này cũng có một điểm rất quan trọng đó là thành phố Hà Nội được phép dùng ngân sách của thành phố hỗ trợ cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức công nghệ hình thành các phòng thí nghiệm trọng điểm để phát triển hướng nghiên cứu ưu tiên của Thủ đô.
Hà Nội được phép dùng ngân sách của thành phố hỗ trợ cho các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức công nghệ hình thành các phòng thí nghiệm trọng điểm.
Trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này, Hà Nội cũng đã mạnh dạn đề xuất quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước. Quỹ có chấp nhận rủi ro. Đây chính là bước đột phá của Hà Nội.
PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội.
PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Hà Nội nêu ý kiến: “Đã nghiên cứu khoa học thì sẽ có rủi ro. Không thể 100 nghiên cứu, 100 ý tưởng đều thành hiện thực. Khoa học là phải có tìm tòi, đi trước và có dự báo trong cái đấy là phải có rủi ro, phải có cơ chế chấp nhận rủi ro thì các nhà khoa học mới dám lao vào cuộc.
Những nhà khoa học tài giỏi nhất thế giới chỉ thành công được 10 đến 15 phần trăm. Nếu như Việt Nam lúc nào cũng yêu cầu làm cái gì cũng phải chiến thắng. Cán bộ khoa học không ai dám vào cuộc. Cho nên phải có cơ chế trong quá trình nghiên cứu nếu rủi ro, tôi chấp nhận tôi cho phép anh thì mới lôi được cán bộ khoa học vào cuộc và khích lệ họ đam mê nghiên cứu những cái mới. Nếu không có cái mới Thủ đô không thể phát triển được”.
Nếu Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, lĩnh vực KH&CN sẽ tạo được bước đột phá quan trọng.
Theo các chuyên gia, nếu Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ tạo được bước đột phá quan trọng, các sản phẩm khoa học – công nghệ của Hà Nội sẽ thể hiện rõ hơn ưu thế vượt trội của mình. Hà Nội sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, là cơ sở vững bền cho sự phát triển của Thủ đô lâu dài trên tất cả các lĩnh vực mà không chỉ riêng khoa học công nghệ.
Chi tiết xem bài báo: https://hanoionline.vn/video/don-bay-giup-khoa-hoc-va-cong-nghe-thu-do-phat-trien-242055.htm