Để thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội - baovanhoa.vn

NGỌC MINH - baovanhoa.vn

VHO - Ngày 22.5, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”. Nhiều tham luận đã chia sẻ những góc nhìn sâu sắc, kinh nghiệm thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong các trường học trên địa bàn .

Gần 80 tham luận đã gửi về hội thảo với nhiều trăn trở, đóng góp ý kiến và chia sẻ kết quả, kinh nghiệm thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong các trường học trên địa bàn Thủ đô thời gian tới.

Đây cũng là diễn đàn có ý nghĩa thiết thực, nhận được sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các giáo viên. 

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhấn mạnh, lịch sử và văn hoá luôn là nội dung quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông của các quốc gia trên thế giới. Bởi lịch sử, văn hoá là hồn cốt, bản sắc của mỗi dân tộc.

Nội dung giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội có ý nghĩa rất lớn góp phần giúp học sinh Thủ đô hiểu được các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của các di tích lịch sử, văn hóa, thấy được vị thế, tiềm năng của Thủ đô, qua đó bồi đắp niềm tự hào và ý thức trân trọng, gìn giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của Thủ đô và đất nước, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bản sắc lịch sử, văn hóa dân tộc được coi là giá trị của mỗi quốc gia dân tộc.    

Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, trong giai đoạn hiện nay, lịch sử, văn hóa Thăng Long – Hà Nội được TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06-CTr/TU ngày 17.3.2021 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được UBND Thành phố giao nhiệm vụ xây dựng và thực hiện Đề án Bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030, tầm nhìn đến 2045. 

Trong thời gian qua, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã cùng với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở GD &ĐT, Sở VHTT và các chuyên gia cơ bản hoàn thành việc xây dựng tài liệu bồi dưỡng kiến thức Hà Nội học cho giáo viên phổ thông trên địa bàn thành phố, trong đó lịch sử và văn hóa là những nội dung quan trọng được các chuyên gia, nhà khoa học và các thầy cô giảng viên dành nhiều tâm huyết biên soạn. 

Khẳng định sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong trường học, để thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu lịch sử, văn hóa mảnh đất ngàn năm văn hiến, tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thảo luận về những nội dung cơ bản về văn hóa Hà Nội cần được đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông trên địa bàn thành phố; những nét đặc trưng hội tụ và lan tỏa của không gian lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội. 

Nhiều tham luận của các cán bộ, giáo viên một số trường phổ thông trên địa bàn đã đánh giá thực trạng giảng dạy nội dung lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội; chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hoạt động trải nghiệm về lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Một số tham luận gửi đến và trình bày tại hội thảo với những thông điệp, nội dung sâu sắc như: Văn hóa Hà Nội trong đời sống đương đại - những nội dung cơ bản cần giảng dạy trong các trường phổ thông ở Hà Nội của GS.TS. Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam; Đặc trưng hội tụ và lan tỏa của không gian lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội của GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội KHLSVN, Ủy viên Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Dạy học nội dung lịch sử, văn hóa trong môn học Giáo dục địa phương ở trường phổ thông TP. Hà Nội của TS. Nguyễn Thị Bích, Đại học Sư phạm Hà Nội…

Thảo luận về phương pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội, GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh, Thăng Long- Hà Nội là trung tâm hội tụ, giao lưu, kết tinh, lan tỏa các giá trị lịch sử, văn hóa lớn nhất, tiêu biểu nhất của Thủ đô và cả nước. Các giá trị lịch sử, văn hóa Thăng Long- Hà Nội chỉ có thể được nhận diện chuẩn xác thông qua phương pháp nghiên cứu tổng hợp, liên ngành.

GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử, văn hóa Thăng Long-Hà Nội không thể không bàn đến phương pháp liên văn hóa- lịch sử và giảng dạy bám theo các không gian lịch sử, văn hóa.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong trường học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và nội dung, phương pháp dạy kiến thức lịch sử, văn hóa Hà Nội trong các trường học trên địa bàn Thủ đô, hướng đến đưa môn Hà Nội học trở thành môn học trong các trường trên địa bàn Hà Nội theo đúng tinh thần của Chỉ thị 30- TC/TU  của Thành ủy Hà Nội về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".

23/05/2024 08:49:43 | Số lần xem: 50
6 phút