Hội thảo khoa học “Liêm chính học thuật và việc thực hiện liêm chính học thuật tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội”

Sáng 14/4, Hội thảo khoa học “Liêm chính học thuật và việc thực hiện liêm chính học thuật tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội” đã được diễn ra.

Dự Hội thảo có GS.TS. Đặng Văn Soa, Uỷ ban Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Vật lý;  PGS.TS. Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; ThS. Bùi Tuấn Linh, Công ty Turnitin. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự Hội thảo có TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng cùng cán bộ, giảng viên trong trường.

TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng cho biết, hiện ở Việt Nam, đạo đức học thuật vẫn là chủ đề nhức nhối và đã được đưa ra bàn thảo trong nhiều hội thảo, hội nghị. Ngày 30/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động Khoa học – Công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. Lần đầu tiên, vấn đề liêm chính học thuật được Chính phủ quy định và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học thực hiện. Cụ thể, tại Điều 20 của Nghị định quy định “Cơ sở giáo dục đại học ban hành bộ quy tắc về liêm chính học thuật trong hoạt động Khoa học – Công nghệ và đổi mới sáng tạo, bảo đảm nguyên tắc trung thực, trách nhiệm, công bằng, minh bạch phù hợp với thực tiễn và theo thông lệ quốc tế; cơ sở giáo dục đại học ban hành các quy định nội bộ, công cụ để kiểm soát, biện pháp xử lý vi phạm để ngăn chặn hành vi đạo văn, gian lận và bịa đặt trong hoạt động Khoa học – Công nghệ và đổi mới sáng tạo”.

Để thể chế hóa quy định của Chính phủ về liêm chính học thuật trong cơ sở giáo dục đại học, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã ban hành Quy định về liêm chính học thuật tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và bắt đầu triển khai từ năm học này. Song song với đó, Nhà trường đã ứng dụng phần mềm Turnitin hỗ trợ thực hiện liêm chính học thuật trong đào tạo, khoa học công nghệ và các hoạt động khác. 

Hội thảo khoa học “Liêm chính học thuật và việc thực hiện liêm chính học thuật tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội” được tổ chức với mục đích tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức đối với cán bộ, giảng viên, người học về liêm chính học thuật đồng thời hướng dẫn thực hiện quy chế, quy trình kiểm tra giám sát thực hiện liêm chính học thuật trong các hoạt động học thuật trong nhà trường.

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuân bày tỏ hy vọng, qua diễn đàn này, cán bộ giảng viên, người học có thể cởi mở chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở của mình để xây dựng môi trường học thuật liêm chính, tạo động lực cho cán bộ giảng viên, người học phấn đấu xây dựng và phát triển Nhà trường.

Hội thảo đã nhận được ủng hộ, quan tâm của của lãnh đạo Nhà trường, sự tham gia nhiệt tình của các chuyên gia từ Hội đồng chức danh Giáo sư; giảng viên các trường Đại học Luật, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, Học viện Ngân hàng, Học viện Hậu cần…, các doanh nghiệp công nghệ như INFORE, TURNITIN, VIBOOK; giảng viên, cán bộ viên chức các đơn vị thuộc trường. Số lượng bài tham dự hội thảo đa dạng về nội dung và đều có chất lượng tốt. Các bài viết đã tập trung vào các nội dung: Tổng quan các vấn đề lí luận về liêm chính học thuật (lịch sử, khái niệm, nội dung của liêm chính học thuật; các biểu hiện phổ biến và mức độ vi phạm liêm chính học thuật; sự cần thiết... ). Thực trạng và các yêu cầu đặt ra đối với liêm chính học thuật ở Việt Nam và Trường Đại học Thủ đô Hà Nội hiện nay; xây dựng các quy tắc về liêm chính học thuật; biện pháp phòng chống đạo văn trong các cơ sở nghiên cứu và giáo dục đại học trong nước và quốc tế và kinh nghiệm cho Trường đại Học Thủ đô Hà Nội…Các phần mềm kiểm tra độ trùng lặp được ứng dụng tại một số cơ sở giáo dục đại học, giải pháp ứng dụng phần mềm kiểm tra trùng lặp tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội; Chat GPT, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và những ảnh hưởng tới liêm chính học thuật trong cơ sở giáo dục hiện nay và việc thực hiện quy định về liêm chính học thuật tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

PGS.TS. Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội 

Hội thảo được chia thành 2 phiên thảo luận: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về liêm chính học thuật; Quy chế liêm chính học thuật và việc thực hiện quy chế liêm chính học thuật tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Trên cơ sở nội dung các bài viết gửi về Hội thảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 6 chủ đề trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Đó là: “Thể chế hóa các quy tắc về liêm chính học thuật trên thế giới và ở Việt Nam”  (PGS.TS. Vũ Công Giao, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội); “Liêm chính học thuật và một số khuyến nghị nhằm đảm bảo liêm chính học thuật của sinh viên ở trường đại học nước ta hiện nay” (PGS.TS. Nguyễn Xuân Hải, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội); “Bàn về khái niệm “đạo văn” và “các nguyên tắc liêm chính học thuật”” (PGS.TS. Lê Thời Tân, TS. Nguyễn Thị Thu Nga, TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội); “ Thực tiễn triển khai quy định liêm chính học thuật tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội” (TS. Đinh Thị Kim Thương, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội); “Đạo đức khoa học – nghiên cứu với sinh viên Khoa Sư phạm Trường Đại học Thủ đô Hà Nội” (TS. Phạm Ngọc Sơn, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội); “Một số kinh nghiệm sử dụng phần mềm Turnitin trong việc thực hiện liêm chính học thuật trong cơ sở giáo dục” (ThS. Bùi Tuấn Linh, Công ty Turnitin).

ThS. Bùi Tuấn Linh, Công ty Turnitin

Sau một thời gian thảo luận sôi nổi và làm việc nghiêm túc, Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, những vấn đề về liêm chính học thuật đã được làm sâu sắc thêm và một số các biện pháp, giải pháp về liêm chính học thuật đã được đưa ra sẽ ứng dụng hữu hiệu tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới. Trong đó, Nhà trường sẽ tập trung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về liêm chính học thuật đối với cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên, hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động liên quan đến học thuật. Hướng dẫn triển khai cụ thể việc thực liện liêm chính học thuật để đưa quy định đi vào thực hiễn các hoạt động đào đạo, khoa học công nghệ và hoạt động học thuật khác của trường. Tăng cường ứng dụng công cụ hỗ trợ vào kiểm tra đánh giá để vừa đảm bảo tính liêm chính học thuật nhưng cũng đảm bảo tính linh hoạt trong thực tiễn.

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 

 

 

 

    

 

 



Tin khác