Đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng: “Nghĩ tới những điều lớn lao, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất”

 

Hội thảo quốc tế: “Đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam” đã diễn ra long trọng vào ngày 16/9/2023 tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Hội thảo có các diễn giả chính đều là những chuyên gia hàng đầu thế giới về các lĩnh vực có liên quan đến đảm bảo chất lượng, đào tạo sau đại học, đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng: GS.TS Philip Hallinger, Trường Đại học Mahidol, Thailand; GS.TS  Yusuke EDA Shingo, Trường Đại học Tokyo Kasei Gakuin, Nhật Bản; GS.TS  Khoa học Elena A. Shmeleva, Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Ivanovo, Nga; PGS.TS khoa học Pavel A. Kislyakov, Trường Đại học Tổng hợp Xã hội quốc gia Nga; TS. Naoki Matsuyama, Trường Đại học Tokyo Kasei Gakuin, Nhật Bản; TS. Taishi Takezawa, Trường Đại học Wakayama, Nhật Bản; GS.TS. NGND. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Học Quản lý Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội; TS. Nguyễn Thị Lê Thanh, Trường Học viện Ngân hàng; TS. Bùi Phương Việt Anh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội...cùng các chuyên gia đến từ nhiều đơn vị khác trong và ngoài nước.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, tham dự Hội thảo có PGS.TS. Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng các cán bộ, giảng viên, học viên của trường.

Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học là một nhiệm vụ đặc biệt

PGS.TS. Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của Hội thảo đối với hoạt động đào tạo nói chung và đào tạo sau đại học nói riêng. Hội thảo chính là tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên trong nước và quốc tế nhằm mang đến sự phát triển xã hội một cách bền vững, thịnh vượng thông qua nguồn nhân lực được đào tạo chất lượng cao có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ… Theo Phó Cục trưởng Phạm Quốc Khánh, thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đầu tư và có nhiều chỉ đạo về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt là đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tham mưu ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế chính sách, giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học. Năm 2021, một số cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam nằm trong nhóm các trường đại học tốt trên thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín. Đến nay, nhân lực một số ngành của Việt Nam như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng đã đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực trình độ cao nói chung, trong đó có đào tạo sau đại học vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội thảo này là dịp để cùng nhau đánh giá về: xu thế, nhu cầu; cơ hội và thách thức; quy trình bảo đảm chất  lượng; định hướng phát triển đào tạo, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo và phục vụ cộng đồng; chuẩn đào tạo theo chương trình đào tạo: chuẩn đầu vào, chuẩn vận hành (tác nghiệp) và chuẩn đầu ra; hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và bên ngoài; và quan hệ hợp tác “Cơ sở đào tạo - Người học - Xã hội/Bên sử dụng tốt nghiệp”. Hội thảo khoa học quốc tế này, không chỉ là dịp trao đổi một cách sâu sắc và nghiêm túc về những vấn đề khoa học liên quan đến đào tạo sau đại học, chất lượng, đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học theo định hướng ứng dụng - những kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, mà còn là cơ hội để tăng cường trao đổi khoa học, tăng cường sự liên kết các nhà khoa học của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, trung tâm đảm bảo chất lượng giáo dục, tăng cường sự hiểu biết và gắn kết giữa các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên với các chuyên gia, nhà khoa học của các nước trong khu vực và trên thế giới. Những mối quan tâm cùng nhau cho một nền giáo dục thực chất và hiệu quả sẽ làm cho chúng ta có những chia sẻ và hợp tác với nhau hiệu quả hơn.

“Nghĩ tới những điều lớn lao và bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất”

PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã gửi lời cảm ơn tới các đại biểu về tham dự Hội thảo. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội bắt đầu tuyển sinh trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng từ năm 2022. Trong đó, số học viên đăng ký theo học chương trình định hướng ứng dụng chiếm tới 90%. Điều này cho thấy sức hút của các chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng là rất lớn. Trường đã xây dựng mới các chương trình đào tạo thạc sĩ để có chương trình thực tập và ban hành hướng dẫn về nội dung và hình thức đề án tốt nghiệp thạc sĩ định hướng ứng dụng. Theo đó, tính ứng dụng trong các chuyên đề học tập và đề tài nghiên cứu được thể hiện rõ rệt hơn. Tuy nhiên, việc người học thạc sĩ đi thực tập như thế nào và đề án khác luận văn như thế nào vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Trường dự kiến sẽ kiểm định các chương trình đào tạo thạc sĩ vào năm 2024. Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền bày tỏ mong muốn, thông qua Hội thảo này, các nhà quản lý, các cơ sở đào tạo sẽ thấu hiểu sâu hơn về những thách thức mà các trường đại học ở các quốc gia đang phải đối mặt, tìm ra những giải pháp và ý tưởng sáng tạo để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học. Đồng thời, Hiệu trưởng Nguyễn Vũ Bích Hiền hi vọng, từ các mối liên kết và hợp tác chặt chẽ giữa đại diện từ các quốc gia khác nhau sẽ mở ra những cơ hội mới và những giá trị vượt ra ngoài biên giới mỗi quốc gia.

Keynote speaker Prof. Dr. Philip Hallinger

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Từ hơn 120 bài nghiên cứu được gửi về, Ban tổ chức Hội thảo đã lựa chọn được 79 bài để đăng trong Kỷ yếu Hội thảo (chỉ số ISBN 978-604-364-687-0) và mời các nhà nghiên cứu, học giả đến từ các trường đại học, học viện và viện nghiên cứu trong cả nước, cũng như từ các quốc gia khác trên thế giới như Thái Lan, Nga, Nhật Bản… trình bày các tham luận tại Hội thảo.

Hội thảo được tổ chức thành 03 phiên (01 phiên chính buổi sáng và 02 phiêu buồi chiều) thảo luận song song về các chủ đề chuyên sâu.

Các bài tham luận Hội thảo đã khẳng định, đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học là cần thiết để đảm bảo bằng cấp và chương trình đào tạo được các trường đại học công nhận có giá trị như nhau cả trong và ngoài nước. Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo ở các trường đại học ở Việt Nam không ngừng được cải tiến và điều chỉnh để chương trình đào tạo ngày càng hoàn thiện, hòa nhập với sự phát triển của giáo dục đại học các nước trong khu vực và quốc tế. Tầm quan trọng của việc đào tạo sau đại học gắn với nghiên cứu học thuật, khẳng định nghiên cứu học thuật là nhiệm vụ trọng tâm, thể hiện trình độ và năng lực nghiên cứu độc lập của người học.

Giáo dục sau đại học ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thực tế này đòi hỏi các trường đại học cần có những thay đổi trong quá trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo sau đại học, chú trọng phát triển năng lực thực hành nghề nghiệp cho người học, năng lực tự học, tự nghiên cứu để hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội.

Các ý kiến của diễn giả đã chỉ ra những nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, các điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo theo tiếp cận AUN-QA, các điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ Quản lý giáo dục định hướng ứng dụng tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội theo tiếp cận AUN-QA. Các nghiên cứu tại Hội thảo cũng chỉ ra nút thắt cần tháo gỡ như: Bộ máy quản lý nhà nước về đào tạo sau đại học, vấn đề đổi mới quản lý ở cấp vĩ mô và cấp cơ sở… Một số ý kiến về các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học được đưa ra như: làm tốt công tác quy hoạch, phân cấp quản lý triệt để và toàn diện, hoàn thiện hệ thống kiểm định và đảm bảo chất lượng, hoàn thiện chính sách, chế độ với đội ngũ, giảng viên, nhà khoa học để tạo động lực, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học. Một số gợi ý cho sự đổi mới được đưa ra như: chuyển triết lý “đào tạo từ cái thị trường cần sang đào tạo cái thị trường sẽ cần”; kiến tạo mối liên kết chặt chẽ giữa trường đại học, nhà quản lý và cơ sở sử dụng lao động. Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo. Tăng cường sự tham gia đánh giá của các chủ thể trong và ngoài trường bên cạnh sự tự đánh giá của cơ sở giáo dục… Đặc biệt, theo GS.TS Philip Hallinger, Trường Đại học Mahidol, Thailand, để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, “chúng ta hãy nghĩ tới những điều lớn lao và bắt đầu từ những điều nhỏ bé nhất”.

Hội thảo đã diễn ra thành công và có sự ảnh hưởng, tác động lớn tới việc đảm bảo chất lượng đào tạo sau đại học ở Việt Nam và các nước khác trên thế giới.

Một số hình ảnh hội thảo:

 

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh

 

 

 

 



Tin khác