Hội nghị đóng góp cho dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Chiều 19/7, tại trụ sở Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hà Nội, đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Phó Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã chủ trì Hội nghị đóng góp cho dự thảo Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Dự Hội nghị có lãnh đạo các quận, huyện trên địa bàn Thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan. Về phía Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, dự Hội nghị có TS. Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; TS. Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Chiến lược và Chính sách phát triển.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, Trường đại học Thủ đô Hà Nội là cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học của thành phố, Trường cần được tăng cường đầu tư nguồn lực để phát triển thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến của Hà Nội, vùng Thủ đô và cả nước, góp phần thực hiện một trong những mục tiêu về giáo dục và đào tạo được xác định trong các nghị quyết, quyết định của Bộ Chính trị, Chính phủ; của Thành uỷ và UBND thành phố Hà Nội.

Ngày 7/10/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3624-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là khung định hướng cho mục tiêu chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Việc này cũng thể hiện sự quan tâm của Thành phố đối với ngôi trường đại học công lập duy nhất của Hà Nội. Từ thời điểm đó tới nay, Ban Chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc họp, lấy ý kiến của các chuyên gia, đơn vị liên quan. Việc tổ chức Hội nghị này nhằm lấy ý kiến của các quận, huyện, sở, ban ngành của Thành phố, liên quan trực tiếp tới hoạt động và hướng phát triển của Nhà trường.

TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã báo cáo tại Hội nghị

TS. Đỗ Hồng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã báo cáo các thông tin việc xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bao gồm: Quá trình triển khai, căn cứ xây dựng, kết cấu chiến lược phát triển trường; khái quát đặc điểm tình hình hiện trạng của trường; quan điểm phát triển; định hướng xây dựng; chỉ tiểu, giải pháp chủ yếu và các chương trình hành động trọng tâm.

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là cơ sở đào tạo công lập, được nâng cấp trên cơ sở trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, thành lập ngày 06/01/1959. Trường Đại học Thủ đô Hà Nội được thành lập theo quyết định số 2402/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc UBND Thành phố Hà Nội, chịu sự quản lý Nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trải qua hơn 8 năm xây dựng và phát triển, Trường ngày càng khẳng định vị thế trong hệ thống các trường đại học của Việt Nam, cũng như vai trò, vị trí trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hà Nội.

Về nhân sự, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có 312 biên chế là cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó có 08 Phó Giáo sư, 76 Tiến sĩ, 185 Thạc sĩ, 30 Đại học, 13 trình độ khác, cùng với đội ngũ của Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây có 104 biên chế là cán bộ giảng viên, nhân viên, trong đó có 06 Tiến sĩ, 72 Thạc sĩ, 19 Đại học, 02 trình độ khác. Bộ máy Trường Đại học Thủ đô Hà Nội gồm Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, Hội đồng Khoa học và Đào tạo, 08 khoa, 06 phòng ban, 06 trung tâm và 01 đơn vị chức năng. 

Về cơ sở vật chất, Trường Đại học thủ đô Hà Nội có 01 trụ sở chính và 03 cơ sở với tổng diện tích là 22,43 ha, gồm: Trụ sở chính tại số 98 phố Dương Quảng Hàm, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Cơ sở 2: thôn Đạc Tài, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn. Cơ sở 3: số 6 phố Vĩnh Phúc, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình. Cơ sở 4 (trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây): số 6 phố Nguyễn Phi Khanh, thị trấn Thường Tín, Thành phố Hà Nội.

Về đào tạo, Trường đang đào tạo 29 chương trình đại học, 02 chương trình thạc sĩ, 01 chương trình tiến sĩ, thuộc các lĩnh vực sư phạm, du lịch và dịch vụ, công nghệ và môi trường, kinh tế và đô thị. Tổng số sinh viên đang theo học tại trường là 8.145 (trong đó hệ Cao đẳng chính quy có tổng số 63 sinh viên, hệ Đại học chính quy có tổng số 6.284 sinh viên, hệ liên thông có 1.798 sinh viên); 606 học viên Cao học và 17 nghiên cứu sinh.

Với tư cách là một trường đại học duy nhất của Thành phố, gắn kết chặt chẽ sự phát triển của Trường với dòng chảy phát triển của Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội dựa trên quan điểm: Gắn kết phát triển Trường với sự phát triển của kinh tế-xã hội của Thủ đô Hà Nội và phục vụ cộng đồng; Hội nhập quốc tế, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc một trường đại học của Thủ đô Hà Nội; Thiết lập mô hình tổ chức và quản trị đại học thông minh, tham gia kiểm định quốc tế và xếp hạng đại học;Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, nghiên cứu khoa học là mục tiêu hàng đầu.

Lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy trao đổi ý kiến

 

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao đổi ý kiến

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào các lĩnh vực chính của Nhà trường: Việc quản trị, quy hoạch, tiến độ phát triển; các lĩnh vực đào tạo: chuẩn đào tạo giáo viên; nghiên cứu khoa học; phát triển các ngành đào tạo gắn với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội (đô thị, du lịch, dịch vụ, thương mại…); thế mạnh và sự cạnh tranh của nhà trường so với các trường đại học khác; đầu tư cơ sở vật chất (mô hình, lộ trình phát triển thành trường đại học thông minh); cơ chế chính sách đặc thù để đáp ứng sự phát triển (đội ngũ, cơ cấu ngành nghề…).

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà yêu cầu Trường Đại học Thủ đô Hà Nội khẩn trương gửi khảo sát nhu cầu tuyển dụng thực tế tới các quận, huyện trên thành phố để có căn cứ bổ sung phân tích thực trạng của nhà trường, từ đó phân tích nguyên nhân, giải pháp gắn với mối quan hệ, phục vụ trực tiếp sự phát triển của Thủ đô. Nhà trường cần tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu để xây dựng trường có bản sắc riêng của Thủ đô Hà Nội, có lợi thế cạnh tranh so với các trường đại học khác. Cụ thể hóa các nội dung, mục tiêu, nhóm vấn đề và cách thức triển khai giúp các định hướng, chiến lược có tính khả thi. Cập nhật và gắn liền sự phát triển của Nhà trường với sự phát triển chung của Thủ đô Hà Nội. Nghiên cứu, bổ sung thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược phát triển Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để giúp Ban chỉ đạo có đầy đủ các lĩnh vực thông tin cần thiết.

Ngọc Hinh - Ngọc Vinh