Hội thảo: “ Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong nhà trường: Lí luận và thực tiễn”.

Ngày 19/9/2023, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (Khoa Sư phạm chủ trì nội dung chuyên môn) đã tổ chức Hội thảo: “ Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong nhà trường: Lí luận và thực tiễn”.

  Hội thảo là diễn đàn để các ngành đào tạo của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và các đại biểu tham dự Hội thảo có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động trải nghiệm, đáp ứng mục tiêu của Chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp của Nhà trường. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà giáo dục, tổ chức hoạt động trải nghiệm đến từ các trường Đại học, trường phổ thông và tổ chức giáo dục.

     Hội thảo gồm 1 phiên toàn thể và 3 phiên chuyên đề song song. Phiên toàn thể tại Hội trường lớn, các đại biểu tham dự đã tập trung vào các vấn đề chung: tổ chức hoạt động trải nghiệm trong nhà trường: Lí luận và thực tiễn.  Các phiên chuyên đề gồm: Tiểu ban Trung học: Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường Trung học; Tiểu ban Tiểu học: Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong Giáo dục Tiểu học; Tiểu ban Mầm non: Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong Giáo dục Mầm non.

 TS. Nguyễn Văn Tuân – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

Mở đầu phiên báo cáo toàn thể, TS. Nguyễn Văn Tuân – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã khẳng định vai trò của hoạt động trải nghiệm và sự quan tâm của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói chung và khoa Sư phạm nói riêng trong đào tạo sinh viên có đủ năng lực tổ chức hoạt động giáo dục nói chung và các hoạt động trải nghiệm.

TS. Trần Thị Hà Giang - Trưởng Khoa Sư phạm

TS. Trần Thị Hà Giang - Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trình bày tính cấp thiết của Hội thảo khoa học. Sinh viên khoa Sư phạm trang bị năng lực dạy học - giáo dục rất bài bản và có lộ trình nhằm đáp ứng yêu cầu nghệ nghiệp, trang bị năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm ở trường phổ thông nằm trong lỗ trình lâu dài này. Hoạt động trải nghiệm đã và đang trở thành hoạt động quan tâm, nhấn mạnh trong việc phát triển toàn diện nhân cách công dân trong xã hội hiện đại hội nhập. Vì vậy cử nhân ngành sư phạm cần phải có năng lực lên kế hoạch, tổ chức triển khai và đánh giá hoạt động trải nghiệm.

PGS.TS. Đinh Thị Kim Thoa – Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội

Hiểu đúng về chương trình hoạt động trải nghiệm là bước đầu tiên và quan trọng quyết định thành công của hoạt động trải nghiệm ở trường phổ thông. PGS.TS. Đinh Thị Kim Thoa, đã có những phân tích về bản chất hoạt động trải nghiệm, cách phân bổ chương trình hoạt động trải nghiệm ở phổ thông.

PGS.TS. Phó Đức Hòa – Phó trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội

Với những ví dụ rất trực quan, cách dẫn dắt khoa học, PGS.TS. Phó Đức Hòa đã làm rõ về vùng phát triển gần nhất và ứng dụng trong tổ chức, đánh giá hoạt động trải nghiệm trong trường Tiểu học.

Những năng lực tạo nên giáo viên xuất sắc trong tổ chức hoạt động trải nghiệm của Ths. Phan Anh – giám đốc hệ thống giáo dục Genesis. Báo cáo đã chỉ rõ 4 nhóm năng lực cốt lõi: năng lực tự lãnh đạo, năng lực chuyển đổi số,…Tiếp nối chương trình, ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền - Phó Hiệu trưởng trường TH&THCS Thăng Long phân tích bài báo cáo với chủ đề “Khám phá văn hóa vùng miền qua hoạt động trải nghiệm của trường TH&THCS Thăng Long”. Ngoài hoạt động trải nghiệm ở trường phổ thông, Hội thảo cùng làm rõ các hoạt động trải nghiệm ở trường đại học thông qua báo cáo của TS. Lê Thị Thu Hương với chủ đề “Tổ chức hoạt động trải nghiệm cho sinh viên đại học các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa và du lịch”.

Sau phiên toàn thể, Hội thảo triển khai các chuyên đề theo tiểu ban Mầm non, Tiểu học, Trung học với các báo cáo chuyên sâu nhằm bàn về giải pháp triển khai hoạt động trải nghiệm phù hợp đặc điểm của từng bậc học và các vấn đề cụ thể.

Tạ Chí Thành - Khoa Sư phạm