Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ

Hưởng ứng “Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”, trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm huy động sự tham gia mạnh mẽ của của các đơn vị, cán bộ, giảng viên, sinh viên trong toàn trường, đặc biệt là nam giới trong việc phòng, chống bạo lực giới. Nằm trong chuỗi các hoạt động đó, sáng 8/12/2016, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ trường đã tổ chức Hội nghị truyền thông “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ”. Dự hội nghị có bà Đào Minh Đức – trưởng ban Nữ Công , Liên Đoàn Lao Động Thành phố Hà Nội, GS.TS Đặng Văn Soa Phó hiệu trưởng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ trường ĐH Thủ đô Hà Nội cùng đông đảo các cán bộ, giảng viên, sinh viên trong trường.

Công tác bình đẳng giới Vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt nhiều kết quả nổi bật

Năm 2016, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động. Cùng với đó, cổng thông tin Bình đẳng giới trên website của trường cũng được đưa vào hoạt động nhằm cung cấp các thông tin về chính sách, kiến thức pháp luật, y tế, sức khỏe, tâm lý, gia đình cho cán bộ viên chức nữ. Đặc biệt các hoạt động tuyên truyền của Đoàn Thanh niên đối với sinh viên được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt đoàn, sinh hoạt các câu lạc bộ, trong công tác giáo dục tư tưởng và hoạt động cộng đồng đã mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người.

GS.TS Đặng Văn Soa Phó hiệu trưởng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ trường

Khái quát những thành tích nổi bật trong năm 2016 của ban Vì sự tiến bộ trường ĐH Thủ đô Hà Nội, GS.TS Đặng Văn Soa Phó hiệu trưởng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ trường nhấn mạnh, năm học vừa qua Nhà trường đã tăng số lượng phụ nữ nắm cương vị lãnh đạo tại các Khoa, Phòng; trên 55% các đồng chí trong Đảng ủy là phụ nữ; cán bộ giảng viên, nhân viên nữ được tạo điều kiện theo học các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị… Đó là nỗ lực của tập thể trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời đại mới.

Khen thưởng các nữ CB, GV, SV có thành tích xuất sắc trong công tác Vì sự tiến bộ phụ nữ trường.

Với đặc thù là trường Đại học có xuất phát điểm là trường sư phạm, tỉ lệ giảng viên và sinh viên phần đông là nữ, vai trò của nữ giới càng được thể hiện rõ nét. Sự phát triển trong các phong trào chung của nhà trường không thể không có sự đóng góp của các cán bộ viên chức nữ và các nữ sinh.

Đảm bảo bình đẳng giới, chống bạo lực phụ nữ đang gặp nhiều thách thức

Trong các bài tham luận và báo cáo của các đại biểu tham dự Hội nghị truyền thông lần này đã nêu lên một thực tế đáng báo động về bạo lực phụ nữ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Do đó, việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ đang là một thách thức lớn. Theo số liệu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ cho thấy, 58% cho biết từng chịu ít nhất 1 trong 3 hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Đặc biệt, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong toàn xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái – đối tượng dễ bị buôn bán và bạo lực ngoài môi trường gia đình.

Tham luận của giảng viên Lê Minh – Khoa Tâm lý – Giáo dục về Bình đẳng giới.

Ở Việt Nam, công tác bình đẳng giới cũng còn nhiều hạn chế, như: tỷ lệ phụ nữ các tộc người thiểu số tham gia lãnh đạo các cấp còn ít; tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội để phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam giới. Cùng với đó, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ tồn tại khá nghiêm trọng; nhận thức về pháp luật của cán bộ và người dân về phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế.

“Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ”

Trước thực tế trên, có thể thấy đảm bảo bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân mà là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội; là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và trong nước nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ, trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa.

Ký cam kết thực hiện bình đẳng giới, “chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ”.

Tại hội nghị, đại diện công đoàn các Phòng ban chức năng và Khoa đào tạo đã cùng ký cam kết thực hiện bình đẳng giới, “chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ”. Nhiều kiến thức pháp luật, chính sách Nhà nước về bình đẳng giới đã được phổ biến và trao đổi. Hội nghị nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía các cán bộ, giảng viên, công nhân viên và sinh viên toàn trường.

Ngọc Hinh – Ngọc Vinh