Đảm bảo bình đẳng giới - Thách thức và trách nhiệm

Năm 2016 là năm đầu tiên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm huy động sự tham gia mạnh mẽ của của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là nam giới trong việc phòng, chống bạo lực giới. Đảm bảo bình đẳng giới đang gặp nhiều thách thức và cũng đặt ra nhiều trách nhiệm cho các cấp chính quyền, các ngành và mỗi cá nhân.

Trong xã hội ngày nay, cụm từ “Bình đẳng giới” đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Bình đẳng giới là việc nam – nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, có điều kiện và cơ hội phát huy năng lực đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và được thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Điều đó có nghĩa, phụ nữ hoàn toàn sánh ngang với nam giới trên mọi lĩnh vực của gia đình và đời sống xã hội, bình đẳng trong việc tiếp cận các điều kiện và cơ hội phát triển, công bằng trong việc tiếp cận và kiểm soát nguồn lực và các lợi ích.

Trên thực tế, đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ đang là một thách thức lớn. Theo một nghiên cứu toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 01 người từng là nạn nhân bị bạo lực về thể chất hoặc tình dục. Ở Việt Nam, số liệu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ đã cho thấy 34% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% cho biết từng chịu ít nhất 1 trong 3 hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong toàn xã hội với khoảng 1000 vụ mỗi năm. Trẻ em gái còn là nạn nhân bạo lực gia đình, đối tượng dễ bị buôn bán và bạo lực ngoài môi trường gia đình.

Ở Việt Nam, công tác bình đẳng giới cũng còn nhiều hạn chế, như: tỷ lệ phụ nữ các tộc người thiểu số tham gia lãnh đạo các cấp còn ít; tỷ lệ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; khoảng cách giới còn tồn tại khá lớn trong một số lĩnh vực của cuộc sống. Trong lĩnh vực kinh tế, cơ hội để phụ nữ tiếp cận việc làm có thu nhập cao và các nguồn lực kinh tế vẫn còn thấp hơn so với nam giới. Cùng với đó, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ tồn tại khá nghiêm trọng; nhận thức về pháp luật của cán bộ và người dân về phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế.

Đảm bảo bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình và toàn xã hội; là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Vấn đề đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tạo ra bước đột phá về nhận thức và hành động từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Việt Nam cũng ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách về giới và nâng cao vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện các sáng kiến quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy việc bảo vệ quyền của phụ nữ và chống phân biệt đối xử đối với phụ nữ.

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường nhận thức về bình đẳng giới, thay đổi định kiến về giới trong xã hội; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là ở các nhóm yếu thế và trong các lĩnh vực có tính chiến lược như giáo dục, y tế, việc làm. Xã hội cần phải giải quyết những bất bình đẳng như cơ hội được đào tạo, cũng như phải có hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện. Để làm được điều đó, chúng ta cần nâng cao trình độ dân trí, tăng cường vai trò gia đình và bình đẳng giới. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý về bình đẳng giới. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các hành vi bạo lực gia đình… Ngoài ra, chính bản thân những người phụ nữ cần có ý thức tự phấn đấu vươn lên, tự giải phóng mình; không ngừng cố gắng học tập nâng cao kiến thức để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội.

Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hãy lên tiếng, hãy hành động. Chấm dứt bạo lực để vun đắp yêu thương”.

Hoàng Phương Quỳnh – Ban vì sự Tiến bộ của Phụ nữ trường