Hội thảo “Nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên và phụ huynh về phương pháp tạo môi trường hỗ trợ giao tiếp bằng hình ảnh cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ”

Sáng 29/1/2018, khoa Tâm lý giáo dục, trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên và phụ huynh về phương pháp tạo môi trường hỗ trợ giao tiếp bằng hình ảnh cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ”. Dự Hội thảo, về phía chuyên gia và khách mời có ông Shahrizal Selamat, ông Jardian Tay, bà Yang Ennie – Trung tâm PERMATA Kurnia (Malaysia); bà Phạm Thị Hạnh Quyên – Tổ chức Saigon Children’s Charity; bà Nguyễn Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đặc biệt, viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; về phía trường ĐH Thủ đô Hà Nội có GS.TS. Đặng Văn Soa – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng cán bộ, giảng viên khoa Tâm lý giáo dục và lãnh đạo một số khoa, phòng, trung tâm trong trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Đặng Văn Soa – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã giới thiệu một số nét khái quát về hoạt động và định hướng phát triển của Nhà trường. Trường ĐH Thủ đô Hà Nội là trường đại học đa ngành theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp, chất lượng cao, đi tiên phong trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong gần 60 năm hình thành và phát triển, Nhà trường đã đào tạo hơn 40.000 công nhân viên và người lao động, đóng góp to lớn vào sự phát triển của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Trường có 13 khoa đào tạo và 9 phòng chức năng, trong đó có khoa Tâm lý giáo dục là đơn vị trực tiếp phụ trách Trung tâm Tham vấn học đường và can thiệp sớm, nơi đang can thiệp và tham vấn cho các cháu khuyết tật và rồi loạn phát triển.

Được sự tài trợ của tổ chức Saigon Children’s Charity, trường ĐH Thủ đô Hà Nội phối hợp với Trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt, viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo này nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên và phụ huynh về phương pháp tạo môi trường hỗ trợ giao tiếp bằng hình ảnh cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Đây là hoạt động có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao chuyên môn giảng dạy và đóng góp cho cộng đồng xã hội. Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, số lượng trẻ khuyết tật đang theo học tại các trường hòa nhập là 3914 em, trong các trường chuyên biệt khoảng gần 5000 trẻ. Trong số đó có khoảng 30% trẻ rối loạn phát triển và có nhiều trẻ rối loạn phổ tự kỷ đang học trong các trường mầm non và tiểu học. Việc cập nhật các phương pháp dạy học có hiệu quả là ưu tiên hàng đầu của Nhà trường cũng  như các giáo viên tham gia giảng dạy.

Hội thảo diễn ra trong 4 ngày, từ 29/1 – 01/02/2018, tập trung thảo luận vào các nội dung: Giao tiếp xã hội và những khó khăn của trẻ rối loạn phổ tự kỷ; Các chiến lược phát triển kĩ năng giao tiếp xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ; Giao tiếp thay thế và tăng cường cho trẻ tự kỷ.

Ngọc Hinh – Công Khanh



Tin khác